Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 109/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 109/KH-UBND
Ngày ban hành 29/05/2024
Ngày có hiệu lực 29/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/KH-UBND

Bình Định, ngày 29 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án 1690); trên cơ sở đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 35/TTr-STTTT ngày 22/5/2024, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 1690, với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số trên nguyên tắc không làm tăng biên chế cán bộ, công chức; không làm tăng tổ chức, bộ máy của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Hình thành Mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp từ cấp tỉnh đến cơ sở có sự tham gia của cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu hút toàn dân tham gia chuyển đổi số quốc gia.

- Bố trí đủ nguồn lực để phát triển, vận hành, duy trì các nền tảng số và các bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định và phân công tại Kế hoạch.

- Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác phối hợp, lồng ghép các nội dung nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của tỉnh.

II. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định để tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số;

b) Tăng cường bố trí biên chế cho Sở Thông tin và Truyền thông từ nguồn biên chế được giao của cơ quan đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số;

c) 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị;

d) 100% các tổ chức, cá nhân trong Mạng lưới chuyển đổi số được tiếp cận và sử dụng các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn tỉnh phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số;

đ) Tuyên truyền, giới thiệu và phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.

2. Định hướng đến 2030

a) Mạng lưới chuyển đổi số được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số quốc gia;

b) 100% đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, nhiệm vụ và vị trí việc làm.

III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số

UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện thực hiện rà soát, sửa đổi, điều chỉnh phân công, giao chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp. Theo đó:

- Tại cấp tỉnh: Giao Sở Thông tin và Truyền thông - Là đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại tỉnh; bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại các văn bản như: Luật Giao dịch điện tử năm 2023; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Thông tư số 11/2022/TT-BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Tại cấp huyện: Giao Phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về chuyển đổi số trên địa bàn huyện[1].

- Tại cấp xã: Giao công chức Văn phòng - thống kê là đầu mối, công chức Văn hóa - xã hội phối hợp thực hiện tham mưu giúp UBND cấp xã thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, công nghệ thông tin, chuyển đổi số[2].

[...]