Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 4660/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 4660/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2024
Ngày có hiệu lực 24/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH-QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4660/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 24 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án); theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 144/TTr-STTTT ngày 13/6/2024; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với những nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ HIỆN TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH QUẢNG NAM.

1. Hiện trạng tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước (QLNN) và thực thi về chuyển đổi số (CĐS)

a) Đối với cấp tỉnh

Cơ quan chuyên trách về Công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh là Sở Thông tin và Truyền thông. Chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam được quy định tại Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh và Thông tư số 11/2022/TT-BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện Sở đã có 02 bộ phận chuyên trách về CNTT là Phòng CNTT&BCVT và Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam.

Đối với các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh: 100% các Sở, Ban, ngành đã kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về cải cách hành chính và CĐS của đơn vị, trong đó, lãnh đạo đơn vị là Trưởng ban, các thành viên là Trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc để tham mưu, giúp việc trong công tác CĐS.

b) Đối với cấp huyện

- 100% UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện; theo đó đều có chức năng tham mưu giúp UBND cấp huyện về CNTT, CĐS theo Thông tư số 11/2022/TT- BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc về cải cách hành chính và CĐS của đơn vị. Đơn vị chuyên trách về CNTT là Phòng Văn hóa - Thông tin. Hầu hết mỗi Phòng Văn hóa - Thông tin có 01 biên chế công chức đảm nhiệm 17 nhóm nhiệm vụ về CNTT, CĐS theo Thông tư số 11/2022/TT-BTTTT. Tuy nhiên, một số phòng Văn hóa - Thông tin chưa bố trí cán bộ có trình độ CNTT, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ QLNN về CNTT, CĐS.

c) UBND các xã, phường, thị trấn

Ở hầu hết cấp xã, phường, thị trấn hiện nay chỉ có cán bộ kiêm nhiệm công tác QLNN về CNTT, CĐS, hiện chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này (chủ yếu phân công nhiệm vụ cho công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã).

2. Hiện trạng về nhân lực chuyên trách CNTT, CĐS

Qua rà soát, hiện nay, tổng số công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách/kiêm nhiệm về CNTT, CĐS của tỉnh là 80 người, trong đó lực lượng chuyên trách là 48 người (gồm công chức của cơ quan chuyên trách CNTT cấp tỉnh và cấp huyện), lực lượng kiêm nhiệm là 32 người. Hầu hết công chức chuyên trách/phụ trách CNTT của tỉnh có bằng đại học trở lên về CNTT và được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về CNTT, CĐS theo kế hoạch của tỉnh.

3. Đánh giá về thực trạng bộ máy, nhân lực CĐS của tỉnh

Ưu điểm:

Bộ máy đơn vị chuyên trách CNTT, CĐS đã được thành lập, kiện toàn cơ bản đồng bộ, có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tạo điều kiện để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, CĐS.

Các ngành, địa phương có quan tâm, bố trí cán bộ CNTT của cơ quan, đơn vị và tạo điều kiện để cán bộ CNTT tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về CNTT, CĐS để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.

Hạn chế:

- Nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, số lượng ít so với yêu cầu công việc về CĐS thực tế hiện nay và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ số chuyển đổi số DTI của Quảng Nam trong 03 năm qua bị tụt hạng (năm 2020 đứng vị thứ 24/63, năm 2021 đứng vị thứ 25/63, năm 2022 đứng vị thứ 31/63). Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tụt hạng, trong đó có hạn chế mà cần khẩn trương khắc phục ngay đó là nguồn nhân lực thực hiện CĐS.

- Đối với các đơn vị cấp tỉnh: các Sở, Ban, ngành chưa thống nhất giao đơn vị đầu mối phụ trách CNTT, CĐS của ngành, đơn vị, dẫn đến các nhiệm vụ về CĐS chưa được triển khai tập trung, thống nhất.

- Đối với cấp huyện: một số phòng VHTT [1](cơ quan chuyên trách CNTT cấp huyện) chưa bố trí cán bộ có trình độ về CNTT để thực hiện nhiệm vụ QLNN về CNTT, CĐS. Cán bộ phụ trách CĐS tại các Phòng Văn hóa và Thông tin vừa kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực về thông tin - truyền thông nên thời gian tập trung cho hoạt động CĐS còn hạn chế.

- Nhiệm vụ, vị trí việc làm (VTVL) về CĐS tại các cơ quan, đơn vị chưa được quy định thống nhất, rõ ràng, chiếm tỷ lệ nhỏ so với các công việc khác, dẫn đến chưa có sự ưu tiên nguồn lực cho thực thi nhiệm vụ về CĐS.

- Công chức phụ trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị mặc dù có trình độ chuyên ngành CNTT, tuy nhiên, đa số chưa có kiến thức chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT, chưa nắm chắc các định hướng chiến lược về triển khai ứng dụng CNTT của ngành, lĩnh vực.

- Công chức kiêm nhiệm về CNTT do công việc nhiều, công chức phải phụ trách nhiều lĩnh vực chuyên môn dẫn đến quá tải, không có điều kiện để hoàn thành tốt công việc và nâng cao năng lực, đặc biệt về chuyên môn thuộc lĩnh vực CNTT.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

[...]