Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 106/KH-UBND về thực hiện đảm bảo trật tự, kỷ cương về xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2020

Số hiệu 106/KH-UBND
Ngày ban hành 12/05/2020
Ngày có hiệu lực 12/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Thanh Hùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106 /KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 12 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, KỶ CƯƠNG VỀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2020

Để thực hiện tốt và đảm bảo hiệu quả hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng trên địa bàn Tỉnh, Uỷ ban Nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đảm bảo trật tự, kỷ cương về xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2020, với những nội dung sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động xây dựng; nâng cao chất lượng công trình xây dựng; đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thi công; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình; hạn chế và đẩy lùi tình trạng vi phạm trật tự xây dựng như: xây dựng nhà ở, công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, khu vực công cộng, đặc biệt là việc lấn chiếm sông, kênh, rạch.

2. Yêu cầu

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến các chủ thể có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, có ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật về xây dựng.

Có sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân.

II. Nội dung thực hiện

1. Trật tự kỷ cương trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình

a) Cải tiến phương thức và nội dung nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về xây dựng; kịp thời tổ chức tập huấn văn bản pháp luật mới ban hành; tạo diễn đàn trao đổi thông tin (trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội) để các tổ chức, cá nhân trao đổi, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

b) Thực hiện nghiêm các quyết định, kế hoạch đã được Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành liên quan đến công tác quản lý dự án đầu tư, chất lượng công trình, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, quản lý trật tự xây dựng[1].

c) Thực hiện nghiêm tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng theo chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và khoản 1 Điều 29 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả[2].

d) Chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án (công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu thầu…), thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm thực chất để triển khai thực hiện dự án; phấn đấu tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt trên 85% so với tổng Kế hoạch vốn phân bổ cả năm.

đ) Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt hồ sơ quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng.

e) Tổng hợp, theo dõi, cập nhật thông tin vi phạm từ chủ đầu tư để đăng tải lên Trang thông tin điện tử của các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư theo quy định, làm căn cứ cho việc lựa chọn nhà thầu.

g) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và kế hoạch và đầu tư.

2. Trật tự kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu, rộng đến các tổ chức, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về xây dựng công trình, nhà ở; hình thức tuyên truyền đảm bảo phong phú, đa dang (phát tờ rơi, thông qua các kênh thông tin, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thông qua Chương trình “Tư vấn pháp luật” và chuyên mục “phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Đài phát thanh và truyền hình Đồng Tháp,…) giúp người dân hiểu rõ các quy định có liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng, để hưởng ứng và thực hiện đúng quy định.

b) Rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa xử lý dứt điểm; đề xuất các giải pháp xử lý.

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới (đặc biệt là vi phạm về xây dựng nhà ở không đúng quy định, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, sông, kênh, rạch); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, các trường hợp buông lỏng quản lý.

III. Tổ chức thực hiện

1. Đối với công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

a) Các chủ đầu tư dự án, công trình:

- Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành Tỉnh và Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thị xã, Thành phố (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) có liên quan, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt trên 85%.

- Uỷ ban nhân dân Tỉnh kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Chủ đầu tư, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực tiếp liên quan đến trách nhiệm thực hiện công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 dưới 85%;

- Chủ động cập nhật, nắm bắt trình tự thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, để đảm bảo vận hành phù hợp các bước từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng;

[...]