Chỉ thị 21/2014/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 21/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 18/09/2014
Ngày có hiệu lực 18/09/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Lê Văn Nghĩa
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2014/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 18 tháng 9 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Quản lý trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Trong những năm qua, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được góp phần cho công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng ngày càng hiệu quả hơn, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý trong lĩnh vực xây dựng tại địa phương.

Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng nói chung, công tác quản lý trật tự xây dựng nói riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Xây dựng

a) Tổ chức tập huấn, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về xây dựng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý xây dựng cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức kiểm tra và định kỳ làm việc với Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quy hoạch xây dựng; hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; công tác công bố công khai các đồ án quy hoạch đã được duyệt; công tác cắm mốc giới theo đúng các quy định của pháp luật.

c) Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trật tự xây dựng trên địa bàn, tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để nắm bắt tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại cơ sở nhanh chóng, chính xác; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng.

d) Rà soát các văn bản, quy định trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị, cấp giấy phép xây dựng, xử lý vi phạm trật tự xây dựng để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 30/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

e) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Các sở, ban ngành tỉnh

a) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xây dựng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân; tăng cường kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng.

b) Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc; các trang thông tin điện tử chuyên ngành cấp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện pháp luật về xây dựng; giám sát, phát hiện, đưa tin, kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng, góp phần thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

c) Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lấn, chiếm, xây dựng trái phép trên đất dành cho đường bộ.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

đ) Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã; Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền đúng theo quy định của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị; Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA ngày 07/7/2007 của Bộ Xây dựng và Bộ Công an hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng.

e) Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trật tự xây dựng trong các khu công nghiệp. Khi phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng phải có văn bản gửi Thanh tra Sở Xây dựng để kịp thời xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

g) Các sở, ban ngành khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Thanh tra của ngành thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực do mình quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hệ thống thông tin liên lạc, sông, ngòi, kênh, rạch, đê điều...; phối hợp với Sở Xây dựng trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại các xã, phường, thị trấn; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức thực hiện công tác cấp phép xây dựng. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thường xuyên hướng dẫn, tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng ở các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, xử lý, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo thẩm quyền.

b) Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng đã quá hạn, không còn phù hợp. Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xã nông thôn mới); nghiên cứu tổ chức lập thiết kế đô thị một số tuyến đường, khu vực trọng điểm; tổ chức lập, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở cho việc quản lý, cấp phép xây dựng. Công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã phê duyệt được giao quản lý; đồng thời, tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy định, cung cấp thông tin về quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị đã được phê duyệt khi các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư có yêu cầu.

c) Thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng tạm đúng theo quy định pháp luật và các quy định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

d) Niêm yết công khai các điều kiện, quy trình, thủ tục hành chính tại nơi tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc cấp Giấy phép xây dựng đảm bảo thời gian, đúng quy định.

đ) Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tập trung và kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là các trường hợp đã có biên bản yêu cầu ngừng thi công hoặc có quyết định đình chỉ thi công mà vẫn tiếp tục thi công; đồng thời, kiên quyết thực hiện việc cưỡng chế, phá dỡ công trình xây dựng vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân bằng nhiều hình thức các quy định về xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; tăng cường quản lý các hoạt động xây dựng trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, đảm bảo mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện sớm và xử lý triệt để; ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện nghiêm việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng theo quy định của pháp luật.

Khẩn trương rà soát lại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đã có hiệu lực pháp luật được ban hành theo thẩm quyền nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình trì hoãn, không thực hiện quyết định xử phạt.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Quy định trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trong công tác quản lý trật tự xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cấp giấy phép xây dựng sai quy định hoặc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không xử lý, xử lý không kịp thời.

[...]