Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 104/KH-UBND về phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 104/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2022
Ngày có hiệu lực 28/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 28 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 NĂM 2022

Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Đồng Tháp. Từ ngày 11/10/2021, cả nước thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do dịch gây ra, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch tái bùng phát, lây lan rộng trên địa bàn Tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến hết quý I năm 2022, cơ bản hoàn thành bao phủ vắc xin mũi 3 cho các đối tượng đủ điều kiện; triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- 100% các huyện, thành phố thực hiện công tác truyền thông tiêm vắc xin và nâng cao nhận thức của người dân trong tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- 100% người mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

- Giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 xuống mức thấp hơn mức trung bình của cả nước.

- 100% các huyện, thành phố có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tối thiểu 20 - 30 giường.

- 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, có hệ thống ô xy hoặc bình ô xy đáp ứng đủ yêu cầu điều trị và hỗ trợ ô xy thông thường.

- 100% các huyện, thành phố có ít nhất 01 đơn vị triển khai tầm soát điều trị hậu COVID-19 cho người bệnh có nhu cầu tầm soát, khám và điều trị bệnh.

- 100% các xã, phường, thị trấn có các trạm y tế lưu động với đầy đủ trang thiết bị theo quy định, đảm bảo mỗi trạm y tế có ít nhất 02 bình ô xy.

- 100% cán bộ trạm y tế, trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, Tổ COVID-19 cộng đồng được tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú.

- 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- 100% các huyện, thành phố, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng duy trì hoạt động, chủ động phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tại các huyện, thành phố với nhiều hình thức, đa dạng và phong phú đến tận người dân…

II. NỘI DUNG

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Cụ thể hóa kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19 để áp dụng trên địa bàn Tỉnh.

- Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương, đơn vị nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế trong triển khai công tác phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 trên địa bàn quản lý; Kế hoạch phải cụ thể trên cơ sở thực tiễn tình hình dịch bệnh của địa phương, đơn vị; đề ra được các phương án đáp ứng chống dịch phù hợp, thích ứng, linh hoạt trong tình hình mới.

2. Công tác truyền thông

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho người dân để nâng cao tinh thần chủ động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh.

- Đa dạng hoá các hình thức truyền thông phòng, chống dịch COVID-19: Thông qua cơ quan báo, đài; qua hệ thống loa, đài truyền thanh của huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; qua pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, ngắn gọn, cụ thể, súc tích, hấp dẫn để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện, chú trọng tuyên truyền những bệnh pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

[...]