Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 104/KH-UBND
Ngày ban hành 31/08/2020
Ngày có hiệu lực 31/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Tăng Bính
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Góp phần thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển; góp phần phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

- Góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018.

- Phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam.

- Nâng cao nhận thức, ứng xử và thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong toàn hệ thống chính trị và trong Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 70% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác vùng ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển trên địa bàn tỉnh; 70% Khu bảo tồn biển Lý Sơn không còn rác thải nhựa.

- Thực hiện việc quan trắc mỗi năm một lần để đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển và đảo Lý Sơn.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP, TRÁCH NHIỆM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương

a) Nhiệm vụ và giải pháp

- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

- Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển.

- Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; hạn chế sử dụng nguyên liệu bằng nhựa dùng một lần, thay vào đó những nguyên liệu thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

b) Trách nhiệm thực hiện

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của rác thải nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; truyền thông về thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải nhựa đại dương gắn với việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động hàng năm.

- Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền thông qua việc biên soạn, phát hành các ấn phẩm và các hình thức trực quan; hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền về tác hại của túi ni lông, rác thải nhựa khó phân hủy đối với biển, đại dương, hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.

- Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Ngãi và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh căn cứ tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí trực thuộc chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, hải đảo xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục để thông tin, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư và người dân trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa đại dương.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, hải đảo tổ chức tuyên truyền, thông tin và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ven biển tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người. Xây dựng các mô hình, khu triển lãm từ rác thải nhựa nhằm nâng cao nhận thức để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

c) Thời gian thực hiện: Hàng năm, từ năm 2021 đến năm 2025.

2. Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển.

a) Nhiệm vụ và giải pháp

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và cộng đồng dân cư ven biển; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường.

[...]