Kế hoạch 1022/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 1022/KH-UBND
Ngày ban hành 23/05/2022
Ngày có hiệu lực 23/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1022/KH-UBND

Gia Lai, ngày 23 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2022-2025

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2017-2020

I. Kết quả thực hiện

1. Kết quả thực hiện mục tiêu

- Mục tiêu của Đề án là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS), tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên (106,2) trên địa bàn tỉnh; năm 2015 (108), năm 2016 (107,3), năm 2017 (107), năm 2018 (106,8), năm 2019 (106,2). Theo báo cáo thống kê chuyên ngành dân số, TSGTKS năm 2019 đã giảm 3,3 điểm phần trăm so với năm 2017 và đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

- Để có được số liệu thống kê về TSGTKS chính xác, kịp thời, hằng năm, dựa trên Hướng dẫn của Sở Y tế, Chi cục Dân số- KHHGĐ có công văn yêu cầu Trung tâm Dân số- KHHGĐ có trách nhiệm thống kê theo biểu mẫu đính kèm gửi về Chi cục Dân số- KHHGĐ theo hàng quý, hàng năm. Các đơn vị đã thu thập thông tin và báo cáo kịp thời, đầy đủ. Về cơ bản, TSGTKS của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ta dao động từ 105-109 nam/100 nữ; có sự tăng, giảm không đồng đều qua các năm.

2. Công tác phối hợp thực hiện Kế hoạch Đề án

- UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan triển khai các hoạt động về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), cụ thể: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan Báo, Đài Phát thanh- Truyền hình (PTTH) tỉnh thực hiện công tác truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động thực hiện bình đẳng giới lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động giáo dục về giới, bình đẳng giới và MCBGTKS với nội dung và hình thức phù hợp cho từng cấp học. Phối hợp với Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đưa các nội dung về không lựa chọn giới tính thai nhi (GTTN), bình đẳng giới, kiểm soát MCBGTKS vào quy ước, hương ước, các thiết chế và trở thành phong trào thi đua tại cộng đồng. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông cho hội viên, đoàn viên về vấn đề MCBGTKS. Phối hợp với Trường Chính trị tỉnh đưa nội dung kiểm soát MCBGTKS và chương trình giảng dạy.

3. Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp

3.1. Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS

Sở Y tế chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong việc lựa chọn giới tính khi sinh. Kết quả, trong giai đoạn triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 2075 tin, bài, phóng sự trên Đài, báo về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; 1120 buổi hội nghị, hội thảo triển khai Đề án từ tỉnh đến cơ sở; in ấn được 80.000 tờ rơi, sách mỏng, tài liệu các loại cấp phát cho cơ sở; tổ chức được 02 Hội thảo triển khai Đề án cấp tỉnh, 01 Hội nghị biểu dương các gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách DS- KHHGĐ; 01 Hội thi tìm hiểu về pháp luật dân số và công tác DS - KHHGĐ trong tình hình mới. Từ năm 2017 đến năm 2020, đã tổ chức được 16 cuộc tập huấn, với 2.331 người tham gia. Các hoạt động truyền thông gồm:

- Truyền thông vận động cho lãnh đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và người có uy tín trong cộng đồng được thực hiện tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề của các sở, ban, ngành; hội nghị cho bí thư, khối trưởng, chi hội trưởng của các tổ chức đoàn thể; lồng ghép trong nội dung của các lớp Lý luận Chính trị - Hành chính, lớp đào tạo cán bộ, đảng viên về Kế hoạch triển khai Đề án Kiểm soát MCBGTKS và các nội dung truyền thông về Đề án Kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức các lớp tập huấn về nguyên nhân, thực trạng và hệ quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi cho cộng tác viên và viên chức dân số cấp xã; tổ chức nhân bản, cấp phát các sản phẩm truyền thông cho cơ sở…

- Phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Đài Truyền thanh Truyền hình cấp huyện và Báo Gia Lai, xây dựng, phát sóng, đăng tải các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Phối hợp với các trường THPT trên địa bàn, đưa nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính khi sinh vào trong các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa tại nhà trường …- Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với các trường như: Phan Bội Châu, Hùng Vương, Lê Lợi, Chi Lăng, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Hoa Thám tổ chức các hoạt động ngoại khóa nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; Lồng ghép nội dung về kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong các trường học thông qua hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, Chi cục Dân số- KHHGĐ còn phối hợp với các đơn vị quân đội lồng ghép nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, giới tính khi sinh, giới và bình đẳng giới cho lực lượng chuẩn bị ra quân.

- 17/17 Trung tâm Dân số- KHHGĐ (nay là Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế) cấp huyện đều có kế hoạch phối hợp với trường THPT, THCS trên địa bàn tổ chức hoạt động ngoại khóa lồng ghép các nội dung về dân số/sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong sinh hoạt ngoại khóa.

- Biên tập, đưa tin, bài trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế để cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin về vấn đề TSGTKS, tình hình và kết quả thực hiện các giải pháp can thiệp.

- Triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cho các cặp vợ chồng, nam nữ thanh niên mới kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan; tổ chức mít tinh, cổ động, chiến dịch truyền thông nhân ngày Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10; xây dựng và duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ trong hoạt động của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân như “Phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”,“Giới và Bình đẳng giới”,“Kiểm soát MCBGTKS”;thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới và kiểm soát MCBGTKS với nội dung, hình thức phù hợp.

3.2. Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ

Từ năm 2015 tới nay, việc triển khai thực hiện Nghị định 39/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số đã được UBND tỉnh, UBND cấp huyện quan tâm. Kết quả, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã hỗ trợ được cho 2.585 đối tượng, với số tiền là 5.170.000.000 đồng (năm tỉ, một trăm bảy mươi triệu đồng).

3.3. Hoạt động thanh tra, kiểm tra: Từ năm 2017 đến nay, Chi cục DS- KHHGĐ đã tổ chức được 8 cuộc thanh tra, kiểm tra về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh, cụ thể:

Năm 2018: Tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 05 nhà sách trên địa bàn thành phố Pleiku về việc lưu hành các ấn phẩm có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

Năm 2020: Tổ chức 02 cuộc thanh tra tại 02 huyện Phú Thiện và thành phố Pleiku về việc thi hành các quy định của pháp luật liên quan đến lựa chọn GTTN và Đề án Kiểm soát MCBGTKS.

Ngoài ra, trong kế hoạch kiểm tra giám sát hằng năm, các hoạt động triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh luôn được lồng ghép vào trong các hoạt động chuyên môn khác.

3.4. Tại cấp huyện

- 17/17 Trung tâm Dân số- KHHGĐ (nay là Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế) triển khai đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động truyền thông tại cơ sở. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế của mỗi đơn vị, các hoạt động của các huyện, thị xã, thành phố có sự khác nhau:

[...]