Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 106/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2022
Ngày có hiệu lực 04/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025; Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (sau đây gọi tắt là Đề án) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Uỷ ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của ngành y tế trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh;

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội; từ đó có những chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh;

- Khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và cả nước; giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh từ 0,6 đến 0,7 điểm %/năm, để tỷ số này dưới mức 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2025 (110 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống trong năm).

2. Yêu cầu

- Các hoạt động thực hiện phải bám sát nội dung, nhiệm vụ của Đề án và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ... nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi;

- Các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật... phải lồng ghép trong các hoạt động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan để bảo đảm tính hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Tiếp tục khống chế và giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh từ 0,6 đến 0,7 điểm %/năm, phấn đấu đưa tỷ số này đạt dưới 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2025, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số giới tính khi sinh về dưới mức 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030 và đạt mức cân bằng tự nhiên (từ 104 cháu trai/100 cháu gái đến 106 cháu trai/100 cháu gái).

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

- 100% cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, Uỷ ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và những người có uy tín trong cộng đồng hiểu đúng về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển kinh tế -xã hội, an ninh trật tự của địa phương, đưa các quy định kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước của thôn, bản, khối phố; các nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị;

- 100% cán bộ truyền thông các cấp, nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số được tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng truyền thông về vấn đề kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi; Luật Bình đẳng giới, chú trọng giới, bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới và bình đẳng giới trong gia đình và xã hội;

- 90% người dân trong tỉnh có hiểu biết cơ bản về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức;

- 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng thanh niên nam nữ được tuyên truyền, tư vấn về các quy định pháp luật, hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi;

- 100% người cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, xét nghiệm (máu, gen, nước ối, tế bào…) có hiểu biết đúng và cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về công bố giới tính thai nhi và lựa chọn giới tính thai nhi;

- 100% các hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi thuộc địa bàn tỉnh bị phát hiện được xử lý đúng quy định.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi triển khai: tại 200/200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội;

[...]