Kế hoạch 8123/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 8123/KH-UBND
Ngày ban hành 18/09/2023
Ngày có hiệu lực 18/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8123/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2023-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 15/3/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Văn bản số 4275/BYT-TCDS ngày 26/5/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2015-2022

1. Kết quả thực hiện

- Tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2022 trung bình hằng năm giảm 0,68 điểm/năm. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (cao hơn toàn quốc 1,1 điểm); đến năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh 108 trẻ trai/100 trẻ gái (tương đương toàn quốc). Sau 7 năm thực hiện Kế hoạch số 1196/KH-UBND ngày 03/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã kiểm soát hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh1, năm sau thấp hơn năm trước, trong khi đó tỷ số giới tính khi sinh toàn quốc có xu hướng tăng.

- Khoảng cách chênh lệnh tỷ số giới tính khi sinh giữa các địa phương thay đổi giữa các nhóm: Năm 2015 có 08/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh rất cao (trên 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống), có 02/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao (từ 109-112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống) và có 02/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng (dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống). Năm 2022 có 04/12 huyện, thành phố tỷ số giới tính khi sinh >112, giảm được 04 huyện, thành phố; 04/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh từ 109-112, tăng 02 huyện, thành phố và 04/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh <109, tăng 02 huyện, thành phố

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

2. Nhận thức, thái độ, hành vi về mất cân bằng giới tính khi sinh của các nhóm đối tượng đã có chuyển biến tích cực

- Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới về nội dung, hình thức và cách tiếp cận; giáo dục về bình đẳng giới đã được đưa vào chương trình trong và ngoài nhà trường, tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của Nhân dân. Quy mô gia đình ít con để có điều kiện nuôi con khỏe, dạy con ngoan ngày càng được chấp nhận rộng rãi; hiểu biết và hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh của các nhóm đối tượng được nâng lên rõ rệt.

- Các hoạt động truyền thông, vận động được triển khai mạnh mẽ góp phần thúc đẩy giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Các phương tiện thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng, chuyên trang, chuyên mục, cùng hàng nghìn pano, áp phích, tờ rơi, các cuộc mít tinh... đã đưa các thông điệp về mất cân bằng giới tính khi sinh, cấm lựa chọn giới tính thai nhi, tác hại của việc mất cân bằng giới tính khi sinh... góp phần thực hiện thành công giảm thiếu mất cân bằng giới tính khi sinh, đã lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.

- Những năm qua, các nội dung về giới và bình đẳng giới, đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh, đã được cung cấp cho lãnh đạo các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từng bước nâng cao nhận thức, tầm quan trọng và thay đổi hành vi của các nhóm đối tượng về công tác dân số và phát triển. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển nói chung và mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng, hằng năm đưa chỉ tiêu mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình công tác của từng đơn vị, xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của mỗi địa phương; góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo một cách bền vững.

3. Một số tồn tại, hạn chế chủ yếu

- Mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh vẫn còn ở mức cao; mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số huyện có xu hướng tăng.

- Có khoảng cách khá lớn về mất cân bằng giới tính khi sinh giữa các huyện, thành phố tỷ số giới tính khi sinh cao với các huyện, thành phố mất cân bằng giới tính khi sinh (5 điểm). Mất cân bằng giới tính khi sinh khu vực nông thôn tăng nhanh, trong khi đó khu vực đô thị có chiều hướng giảm.

- Còn có sự khác biệt nhận thức về bình đẳng giới của người dân thành thị với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Khoảng cách giữa các lần sinh của các cặp vợ chồng, số lần sinh và số con của mỗi gia đình, của các nhóm đối tượng cũng khác nhau. Đặc biệt là các gia đình có điều kiện kinh tế lại không muốn sinh đông con nên việc giảm sinh cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng.

- Chính sách và công tác truyền thông dân số hiện nay vẫn chưa thực sự đa dạng phong phú, mặt khác chính sách hỗ trợ cho những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái chưa được chú trọng, quan tâm.

4. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân đạt được kết quả

- Nguyên nhân khách quan

+ Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đời sống Nhân dân được nâng lên, nhận thức của đa số Nhân dân về công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.

+ Kinh tế phát triển nên điều kiện hỗ trợ các vùng khó khăn và các nhóm đối tượng đặc thù, góp phần giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về nhận thức, thái độ và hành vi liên quan cần thay đổi về dân số và phát triển.

+ Cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc có bước phát triển tốt, việc tiếp cận thông tin của người dân được cải thiện theo hướng đa chiều và đa hình thức; trình độ dân trí và đời sống của người dân được nâng cao; vị thế phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội được nâng lên. Những điều kiện này tạo thuận lợi cho công tác dân số và phát triển, người dân có nhiều cơ hội được lựa chọn, tham gia và tiếp cận các thông tin đa dạng.

- Nguyên nhân chủ quan

+ Sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia nhiệt tình của Nhân dân là động cơ tổ chức, triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao hằng năm của Chương trình dân số và phát triển giai đoạn 2011-2022.

+ Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị phối hợp thực hiện lồng ghép Chương trình dân số và phát triển với các chương trình kinh tế - xã hội, phát triển các dịch vụ xã hội phù hợp với quy mô gia đình ít con. Đưa các chỉ tiêu dân số và phát triển là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, xem đây là mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức, đảng viên và ngành, địa phương, đơn vị.

+ Triển khai đồng bộ các giải pháp chuyên môn từ truyền thông thay đổi hành vi đến đáp ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, chú trọng triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số.

[...]