Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2022 thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 85/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2022
Ngày có hiệu lực 11/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/KH-UBND

Hải Dương, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm gần đây, Hải Dương là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao trong cả nước. Theo Tổng điều tra quốc gia về dân số và nhà ở năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 120,2 bé trai/100 bé gái, đứng thứ hai trong toàn quốc, cao hơn 10 điểm % so với cả nước (110,5 bé trai/100 bé gái). Trong giai đoạn 2009 - 2015, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh nằm trong tốp 07 tỉnh cao nhất cả nước.

Ngày 22/6/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 1728/KH- UBND về thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020 với các giải pháp toàn diện về lãnh đạo tổ chức, quản lý; truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi; thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi và tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước, nâng cao năng lực quản lý điều hành. Sau 4 năm triển khai thực hiện Kế hoạch, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh đã từng bước được khống chế và đạt được những kết quả khả quan: tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 là 114,4/100, đạt chỉ tiêu Kế hoạch giao (dưới 115/100); Nhận thức của người dân về giới, bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và thực thi quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi được nâng cao.

Mất cân bằng giới tính khi sinh có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp do việc lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới xuất phát từ tâm lý ưa thích con trai. Bên cạnh đó, mặt trái của sự phát triển kỹ thuật y tế tiên tiến cũng gây ra việc lựa chọn giới tính thai nhi. Việc thay đổi quan điểm, thái độ về sự ưa thích con trai, con gái là không dễ dàng đạt được trong thời gian ngắn và đây cũng chính là thách thức lớn nhất trong các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, hướng tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025;

- Quyết định 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016 của Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025;

- Công văn số 4275/BYT-TCDS ngày 26/5/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025;

- Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 29/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề giảm mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương;

- Kế hoạch số 80-KH/TU của Tỉnh ủy Hải Dương ngày 26/01/2018 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “công tác dân số trong tình hình mới”;

- Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Kế hoạch số 2196/KH-UBND ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh Hải Dương về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Hải Dương thực hiện Chiến lược Dân số Việt nam đến năm 2030.

- Kế hoạch số 3239/KH-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030.

III. THỰC TRẠNG MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

1. Những kết quả đạt được

- Tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Hải Dương so với khu vực Đồng bằng sông Hồng và Việt Nam từ năm 2010 - 2020 được thể hiện theo bảng dưới đây.

TSGTKS

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Hải Dương

120

121.4

121.4

118.9

118.3

117

116.2

116.3

115.5

115.2

114.4

Đồng bằng sông Hồng

116.2

122.4

120.9

124.6

118

120.7

113.7

116.2

108.6

115.5

113.6

Việt Nam

111.2

111.9

112.3

113.8

112.2

112.8

112.2

112.1

114.8

111.5

112.1

Năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Hải Dương là 120/100, cao hơn so với khu vực đồng bằng sông Hồng (116,2/100) và cả nước (111,2/100). Tại tỉnh luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, tỉnh Hải Dương có sự hỗ trợ của Quỹ Dân số liên hiệp quốc tại Việt Nam với Dự án “Phòng chống bạo lực gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc người cao tuổi”, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từng bước được khống chế và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh có xu hướng giảm đều qua các năm, ở mức 114,4/100 năm 2020, đạt chỉ tiêu Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 (tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 115/100 năm 2020).

- Hoạt động truyền thông kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại các cấp khá đa dạng về hình thức cũng như nội dung, đã tiếp cận được nhiều đối tượng, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, những người có uy tín trong cộng đồng như trưởng các dòng họ, trưởng thôn, khu dân cư. Bên cạnh đó truyền thông về giới, bình đẳng giới đã được quan tâm tiếp cận tới nhóm dân số vị thành niên, thanh niên. Thông qua các hoạt động này đã giúp nâng cao nhận thức của người dân nói chung về giới, định kiến giới, nguyên nhân, hệ lụy và các quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS. Tỷ lệ người dân nhận được thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS, các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi đạt khoảng 90%. Tỷ lệ thanh niên nam nữ chuẩn bị kết hôn nắm được các quy định pháp luật, hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi đạt 95%.

- Công tác thanh tra, kiểm tra liên quan tới việc thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức được quan tâm thực hiện; 100% cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi có áp phích và các tài liệu truyền thông về kiểm soát MCBGTKS và 100% cam kết không thực hiện chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi.

- Cán bộ dân số các cấp, cộng tác viên dân số được đào tạo, tập huấn, có kiến thức, kỹ năng truyền thông về MCBGTKS.

2. Những khó khăn, hạn chế

- Các hoạt động truyền thông kiểm soát MCBGTKS chưa tiếp cận được nhiều đến các đối tượng làm việc tại các công ty, khu công nghiệp. Hình thức truyền thông chưa tận dụng được lợi thế của truyền thông sử dụng công nghệ cao như internet.

- Tỷ lệ các thôn, khu dân cư được lồng ghép các nội dung kiểm soát MCBGTKS vào hương ước, quy ước mới đạt 65%.

- Việc cung cấp tài liệu; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa có lồng ghép tuyên truyền kiểm soát MCBGTKS trong nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông (THCS, THPT) còn hạn chế (mới đạt 40%); tỷ lệ giáo viên phụ trách các hoạt động ngoại khóa, dạy các môn sinh học, giáo dục công dân, địa lý được tập huấn các nội dung kiểm soát MCBGTKS còn thấp (22%).

[...]