Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 685/KH-UBND năm 2021 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 685/KH-UBND
Ngày ban hành 23/12/2021
Ngày có hiệu lực 23/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ô Pích
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 685/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 23 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 28/6/2021 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Công văn số 3629/BNN-KH ngày 15/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiềm năng (sản phẩm OCOP) có thế mạnh của tỉnh và của từng địa phương; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng ở nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 2-2,5% (trong đó: Nông nghiệp 1,9 - 2,3%; lâm nghiệp 6 - 6,5%; thủy sản 5,8 - 6,2%).

- Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tỷ trọng nông nghiệp 88,7%; lâm nghiệp 5,3%; thủy sản 6,0%. Trong nội ngành nông nghiệp: trồng trọt 49,8%; chăn nuôi 48,1%; dịch vụ 2,1%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 20,0% (trong đó: lĩnh vực trồng trọt 15,0%; chăn nuôi 26,0%; thủy sản 12%; lâm nghiệp 4,2%);

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 40,0% (trong đó: lĩnh vực trồng trọt 38,0%; chăn nuôi 42,0%; thủy sản 42,0%);

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20,0% (trong đó: lĩnh vực trồng trọt 19,0%; chăn nuôi 22,0%; thủy sản 15,0%; lâm nghiệp 10,0%);

- Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích đất nông nghiệp đạt 2,0%;

- Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt 38,0%;

- Giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng (trong đó: Giá trị sản xuất bình quân/ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 170 triệu đồng/ha);

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt 100 triệu USD;

- Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 12,0%;

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,5%;

- Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 70%;

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội chiếm 25,0%,

trong đó tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 45,45%;

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 87%;

- Thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.

II. NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2025

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiềm năng (sản phẩm OCOP) có thế mạnh của tỉnh và của từng địa phương. Theo đó cơ cấu lại ngành nông nghiệp như sau:

1. Cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm

1.1. Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh

Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình GAP và tương đương; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm; phát triển các sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, truy suất nguồn gốc rõ ràng. Phát triển sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gắn săn xuất với phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Thực hiện khoanh vùng các vùng chuyên sản xuất nông nghiệp trọng điểm để hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm cơ sở tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung theo hướng hiện đại, theo chuỗi giá trị.

[...]