Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 02/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 02/KH-UBND
Ngày ban hành 07/01/2022
Ngày có hiệu lực 07/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Văn Hồng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 07 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 386/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021- 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt thực hiện có hiệu quả Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

2. Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố nhằm khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam, giúp nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trên tinh thần yêu nước, tự cường, tự tôn dân tộc.

3. Tổ chức triển khai các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phù hợp với tình hình thực tế của thành phố; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

4. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án kết hợp lồng ghép với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với vai trò, trách nhiệm thực hiện của từng sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, đảm bảo tính khả thi, thiết thực và hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, nhất là các mặt hàng có thể mạnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn; đồng thời, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa trên địa bàn với các doanh nghiệp, nhà phân phối trong cả nước nhằm mở rộng thị trường phân phối các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của thành phố ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Giữ thị phần tỷ lệ trên 80% hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn.

b) Giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn.

c) Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

d) Trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.

đ) 100% cơ quan báo, đài của thành phố hưởng ứng, tham gia xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” và thường xuyên tuyên truyền, quảng bá về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

e) Triển khai nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” đến tất cả các quận, huyện trên địa bàn.

g) Hàng năm, tổ chức hoặc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thế mạnh của thành phố tham gia các chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

h) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước.

III. NỘI DUNG

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động

Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Nhà nước; cụ thể hóa các nội dung Cuộc vận động gắn với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở ngành, địa phương; đẩy mạnh phong trào hưởng ứng Cuộc vận động, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu đi đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam, tạo thói quen sử dụng hàng Việt Nam trong các hoạt động của cơ quan và sinh hoạt của cá nhân, gia đình.

2. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Cuộc vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của cộng đồng đối với hàng hóa sản xuất trong nước

a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hiểu và đánh giá đúng về khả năng sản xuất, chất lượng hàng Việt Nam và các sản phẩm “Tinh hoa hàng Việt Nam”, từ đó ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam trong các hoạt động mua sắm công, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng hàng ngày.

b) Tuyên truyền, định hướng cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; sử dụng kỹ thuật, máy móc, thiết bị, nguyên liệu được sản xuất trong nước; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa thế mạnh của thành phố.

c) Tận dụng lợi thế, ưu điểm của các phương tiện truyền thông trên internet để đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cổ động về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, triển khai các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp tại các địa điểm công cộng, các thiết chế văn hóa công cộng như thư viện, nhà văn hóa, trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội...

d) Thường xuyên cập nhật và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được sản xuất trong nước; danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước để phục vụ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

[...]