Hướng dẫn 76/HD-TLĐ về nhiệm vụ trọng tâm công tác nữ công năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 76/HD-TLĐ
Ngày ban hành 17/01/2023
Ngày có hiệu lực 17/01/2023
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Thái Thu Xương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2023

 

HƯỚNG DẪN

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC NỮ CÔNG NĂM 2023

Thực hiện Chương trình công tác năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương tập trung triển khai và hướng dẫn, đôn đốc thực hiện một số nội dung công tác nữ công như sau:

I. NỘI DUNG TRỌNG TÂM

1. Tăng cường công tác phối hợp và huy động các nguồn lực triển khai có hiệu quả công tác chăm lo việc làm, đời sống của nữ CNVCLĐ, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

2. Tập trung thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công đáp ứng tình hình mới.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nữ CNVCLĐ về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về chính sách đối với lao động nữ, trọng tâm là Bộ luật Lao động 2019 và các chính sách về công tác bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em.

4. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam về công tác Nữ công trong hệ thống nữ công toàn quốc.

5. Thúc đẩy thực hiện Kết luận số 05/KL-BCH ngày 8/9/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 1500b/KL-TLĐ ngày 08/01/2021 của Tổng Liên đoàn về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ trong tình hình mới.

6. Tham gia ý kiến sửa đổi bổ sung Luật bình đẳng gii với chủ đề “Vấn đề thực thi pháp luật về bình đẳng giới và nhận diện bất bình đẳng giới tại nơi làm việc”.

7. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị định 105-2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non cho CNLĐ tại các Khu công nghiệp.

8. Tích cực nghiên cứu đề xuất chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ và con CNVCLĐ.

9. Tích cực triển khai các mô hình về như “Sức khỏe của bạn”, “Lễ cưới tập thể”, “Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”, “Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ tại nơi làm việc”, các diễn đàn về Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, diễn đàn giáo dục đời sống đạo đức gia đình cần được nhân rộng và triển khai.

10. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ; tổ chức đối thoại về thực hiện chính sách lao động nữ và các vấn đề lao động nữ quan tâm, như: việc làm, đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, nâng lương, nâng bậc, chế độ thai sản, hỗ trợ nuôi con nhỏ, đồng thời đưa ra các giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho lao động nữ.

11. Nghiên cứu đổi mới phương pháp tiếp cận với lao động nữ thông qua việc sử dụng công nghệ số, mạng xã hội nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và tăng lượng tương tác, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động nữ công công đoàn trong công tác vận động nữ CNVCLĐ.

II. CÁC CHỈ TIÊU

- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn các cấp đạt 30% trở lên; phn đấu công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có cán bộ chủ chốt công đoàn là nữ.

- 100 % các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương tổ chức tập huấn, truyền thông về công tác bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn, công tác dân số, gia đình, trẻ em cho cán bộ công đoàn các cấp và nữ CNVCLĐ.

- Hàng năm, mỗi công đoàn cơ sở tổ chức hoặc lồng ghép tổ chức ít nhất một hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới, dân số và phát triển, trách nhiệm của nam giới chia sẻ công việc gia đình, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong CNVCLĐ.

- Phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở có ít nhất 01 hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, lao động nữ.

- Hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam về thành lập Ban Nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Tiếp tục phấn đấu 85% trở lên nữ CNVCLĐ khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và 55% trở lên nữ CNVCLĐ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

- Phấn đấu 100% các LĐLĐ tỉnh, TP triển khai công tác tuyên truyền và giám sát tình hình thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non.

- Phấn đấu 90% Ban Nữ công quần chúng CĐ các cấp sử dụng công nghệ thông tin kết nối với lao động nữ và CĐ cấp dưới thông qua các nền tảng mạng xã hội.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tích cực tham gia xây dựng chế độ, chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ và con CNVCLĐ.

- Tăng cường phối hợp với chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Đưa kế hoạch kiểm tra giám sát vào chương trình công tác năm để chủ động triển khai thực hiện.

- Chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới trong việc triển khai chế độ, chính sách cho lao động nữ để nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất với chính quyền địa phương và Tổng Liên đoàn kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội trong việc sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ và trẻ em.

[...]