Chương trình phối hợp 5346/CTPH-TLĐLĐVN-HLHPNVN năm 2022 về tổ chức hoạt động trong nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động giai đoạn 2022-2027 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành
Số hiệu | 5346/CTPH-TLĐLĐVN-HLHPNVN |
Ngày ban hành | 07/11/2022 |
Ngày có hiệu lực | 07/11/2022 |
Loại văn bản | Văn bản khác |
Cơ quan ban hành | Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam,Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Người ký | Hà Thị Nga,Nguyễn Đình Khang |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính |
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM - HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5346/CTPH-TLĐLĐVN-HLHPNVN |
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2022 |
Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”;
Căn cứ Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/ 6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới;
Căn cứ Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 08/9/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp số 905/CTPH-TLĐ-HLHPN ngày 09/6/2017 về tổ chức các hoạt động trong nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động giai đoạn 2017-2022,
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất Chương trình phối hợp về tổ chức các hoạt động trong nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động giai đoạn 2022 - 2027 (sau đây gọi tắt là Chương trình phối hợp) như sau:
1. Mục đích
- Tăng cường sự phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp cho phụ nữ là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, góp phần cụ thể hóa một số mục tiêu, nhiệm vụ của hai tổ chức.
- Phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí, sự tham gia của nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động trong các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ và hoạt động công đoàn các cấp.
- Thực hiện có hiệu quả Điều 4, Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Điều lệ Công đoàn Việt Nam về công tác nữ công; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo nguyên tắc 3 chung (chung hoạt động, chung đối tượng, chung nguồn lực).
2. Yêu cầu
- Xác định mục tiêu cụ thể, có nội dung hoạt động trọng tâm; đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp với từng địa phương, đơn vị, ngành nghề, đối tượng đặc thù.
- Chương trình phối hợp phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là các đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
1. Phối hợp tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, cụ thể hoá mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra phù hợp với công tác vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động trong tổ chức công đoàn.
Tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, đặc biệt tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Luật phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong kinh tế, lao động, việc làm, xây dựng và vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, phòng chống bạo lực gia đình, hướng dẫn bảo vệ, chăm lo phụ nữ, trẻ em.
Tổ chức triển khai thực hiện Khoản 1, Điều 4, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam, vận động hội viên là nữ đoàn viên công đoàn gương mẫu chấp hành Nghị quyết và Điều lệ Hội, nâng cao nhận thức, trách nhiệm phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam thông qua hoạt động nữ công Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy tính chủ động, tự giác khi tham gia hoạt động tại chi hội phụ nữ tại địa bàn nơi cư trú.
2. Phối hợp nắm tư tưởng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, người lao động. Phối hợp tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; đề xuất các chính sách liên quan đến nữ công nhân lao động, đặc biệt là vấn đề nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; hỗ trợ lao động nữ di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ; quyền lợi bảo hiểm xã hội, y tế cho lao động nữ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động các khu công nghiệp. Phối hợp trong công tác bảo vệ quyền lợi của lao động nữ bị xâm hại, quấy rối tình dục ở nơi làm việc.
3. Phối hợp giới thiệu và phát huy vai trò nữ cán bộ Công đoàn tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, giới thiệu và phát huy vai trò cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia Ban Chấp hành Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028. Tổ chức và tham gia các hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn về các nội dung liên quan đến công tác Hội và công tác nữ công, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, tôn giáo. Theo dõi và thúc đẩy vai trò nòng cốt của đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động trong các hoạt động Hội. Phát huy vai trò của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp.
4. Hàng năm, hai cơ quan căn cứ hoạt động chuyên môn phối hợp tổ chức một trong các hoạt động sự kiện chung sau: tuyên dương, gặp mặt nữ cán bộ công chức, viên chức, nữ công nhân, người lao động, gia đình nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ công nhân, người lao động tiêu biểu (đặc biệt là công nhân lao động, các doanh nghiệp do nữ làm chủ); tổ chức hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam hoặc các hoạt động dân vũ, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; thành lập mô hình câu lạc bộ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe nữ công nhân lao động; tổ chức diễn đàn tìm hiểu, trao đổi kiến thức, pháp luật trong nữ công nhân lao động.
5. Phối hợp đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí, triển khai hiệu quả giải thưởng “Tài năng sáng tạo nữ Tổng Liên đoàn”.
Phối hợp giới thiệu đề xuất, lựa chọn tập thể, cá nhân nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động để quyết định việc trao Giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Đề xuất xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam, kỷ niệm chương vì sự nghiệp tổ chức Công đoàn cho nữ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ Hội theo quy định.
6. Phối hợp trao đổi thông tin về công tác phụ nữ, bình đẳng giới và các văn bản chỉ đạo liên quan công tác vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động. Thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp; phối hợp giám sát việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động có liên quan đến lao động nữ; nắm tình hình tổ chức các hoạt động công tác nữ công trong cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động.
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Giao Ban Nữ công là đơn vị giúp việc, đầu mối tham mưu triển khai thực hiện.