UBND
TỈNH ĐIỆN BIÊN
SỞ XÂY DỰNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
61/HD-SXD
|
Điện
Biên Phủ, ngày 23 tháng 01 năm 2008
|
HƯỚNG DẪN
LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG; QUẢN LÝ, BẢO VỆ,
KHAI THÁC SỬ DỤNG VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH SAU ĐẦU TƯ CÁC CÔNG TRÌNH CƠ SỞ HẠ TẦNG
THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN
2006 - 2010
(CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐIỆN BIÊN.
Căn cứ Luật Xây dựng số
16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
Căn cứ Nghị định số
99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công
trình;
Căn cứ Quyết định số
07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương
trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc
và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Thông tư số
05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí
đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số
07/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định
giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số
02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn lập và quản lý chi phí
đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phát triển kinh tế
- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn
2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số
1412/QĐ-UB ngày 03/12/2004 của UBND tỉnh Điện Biên quy định chức năng, nhiệm vụ
và quyền hạn của Sở Xây dựng;
Sở Xây dựng Hướng dẫn lập và
quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Hướng dẫn quản lý, bảo vệ, khai
thác sử dụng và bảo trì công trình sau đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc
chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào
dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn 2) trên địa
bàn tỉnh Điện Biên như sau:
Phần I
PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Hướng dẫn lập và quản lý chi
phí đầu tư xây dựng công trình được áp dụng cho các công trình cơ sở hạ tầng
thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng
bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135) và áp
dụng cho các công trình xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng, chỉ yêu cầu
lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Những chương trình dự án khác ngoài Chương
trình 135 nếu lồng ghép vốn với Chương trình 135 có tỷ lệ vốn góp dưới 50% tổng
mức đầu tư và cùng tham gia xây dựng một công trình được áp dụng các quy định
trong hướng dẫn này.
Không áp dụng các quy định trong
Hướng dẫn này cho các công trình xây dựng khác.
2. Hướng dẫn quản lý, bảo vệ,
khai thác sử dụng và bảo trì công trình sau đầu tư áp dụng cho các công trình hạ
tầng thuộc Chương trình 135 và có thể áp dụng đối với các công trình hạ tầng
nông thôn (Đường giao thông, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt tập trung, chợ, công
trình điện nông thôn, trường học, trạm xá...) ở các xã trên địa bàn tỉnh thuộc
các nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Phần II
LẬP
VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
I. Chi phí đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng của Chương trình
135 giai đoạn II được xác định bằng dự toán xây dựng công trình (trong trường hợp
này đồng thời là tổng mức đầu tư) theo thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo
kinh tế - kĩ thuật được duyệt.
Dự toán
xây dựng công trình bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí
Ban quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự
phòng của công trình.
Việc lập
và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo quy định hiện hành
chung của Nhà nước và các quy định cụ thể như sau :
1. Chi phí xây dựng
Chi phí
xây dựng trong dự toán xây dựng công trình được lập cho các công trình chính,
công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công hoặc bộ phận, phần việc,
công tác của công trình, hạng mục công trình và được xác định bằng dự toán.
Riêng đối
với các công trình phụ trợ, các công trình tạm phục vụ thi công hoặc các công
trình đơn giản, thông dụng thì dự toán chi phí xây dựng có thể còn được xác định
bằng suất chi phí xây dựng trong suất vốn đầu tư xây dựng công trình hoặc bằng
định mức chi phí tính theo tỷ lệ phần trăm (%) (sau đây gọi là định mức tỷ lệ).
Dự toán chi phí
xây dựng công trình, hạng mục công trình được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục số
1 của Hướng dẫn này.
Trường hợp chi phí
xây dựng được tính cho từng bộ phận, phần việc, công tác của công trình, hạng mục
công trình thì chi phí xây dựng trong dự toán công trình, hạng mục công trình
là tổng cộng chi phí của từng bộ phận, phần việc, công tác nêu trên.
Chủ đầu tư căn cứ
tính chất, điều kiện đặc thù của công trình, hệ thống định mức đã được công bố
và phương pháp lập đơn giá xây dựng công trình theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4
của Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và
quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình để xây dựng và quyết định áp dụng
đơn giá công trình hoặc áp dụng hệ thống đơn giá xây dựng do Uỷ ban nhân dân tỉnh
công bố làm cơ sở xác định dự toán, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Dự toán chi phí
xây dựng bao gồm : chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu
thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng và chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở
và điều hành thi công.
a- Chi phí
trực tiếp bao gồm : chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sử dụng
máy thi công và chi phí trực tiếp khác; được xác định theo hướng dẫn tại
điểm 2.2.1.1 Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 hướng dẫn lập và quản lý
chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng.
- Chi phí
vật liệu: được xác định trên cơ sở khối lượng theo thiết kế bản vẽ thi công và
đơn giá vật liệu của công tác xây dựng tương ứng.
Giá vật liệu
là giá đến hiện trường xây dựng ( bao gồm giá mua + chi phí vận chuyển, bốc xếp,
hao hụt trong quá trình vận chuyển ), được xác định phù hợp với công trình và gắn
với vị trí nơi xây dựng công trình.
+ Giá mua
vật liệu được xác định trên cơ sở báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của
nhà cung cấp hoặc giá do cơ quan nhà nước có chức năng công bố nhưng phải đảm bảo
tiêu chuẩn chất lượng và phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại thời điểm.
+ Chi phí
vận chuyển: được xác định trên cơ sở Đơn giá cước vận chuyển của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ở địa phương công bố; cự ly vận chuyển, loại đường căn cứ vào Quyết
định xếp loại đường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa
phương ban hành.
+ Hao hụt
trong vận chuyển: được xác định trên cơ sở Định mức vật tư của Bộ Xây dựng công
bố tại văn bản số 1784/BXD-VP ngày 16/8/2007; chi phí bốc dỡ: được xác định
trên cơ sở Định mức của cơ quan nhà có thẩm quyền địa phương công bố.
- Chi phí
nhân công: Được xác định trên cơ sở khối lượng theo thiết kế bản vẽ thi công và
đơn giá nhân công của công tác xây dựng tương ứng. Chi phí nhân công được tính
đúng, tính đủ tiền lương, các khoản lương phụ và phụ cấp lương trên cơ sở mức
tiền lương tối thiểu của nhà nước công bố. Theo đó chi phí nhân công tháng gồm
các bộ phận sau:
+ Lương cơ
bản = Hệ số lương x mức lương tối thiểu ( 540.000 đ )
+ Phụ cấp
khu vực + phụ cấp lưu động :
Nơi có khu
vực 0,5 = 0,9 x mức lương tối thiểu.
Nơi có khu
vực 0,7 = 1,1 x mức lương tối thiểu.
+ Lương phụ
+ phụ cấp khác:
Nơi có khu
vực 0,5 = 0,26 x lương cơ bản
Nơi có khu
vực 0,7 = 0,272 x lương cơ bản.
Đơn giá
nhân công ngày = tổng chi phí nhân công tháng : 24 ngày.
Trường hợp
đơn giá nhân công áp dụng theo Đơn giá xây dựng do Sở Xây dựng công bố tại Văn
bản số 56/SXD-CB ngày 23/01/2008 thì được điều chỉnh nhân với hệ số 1,54 lần.
- Chi phí
máy thi công ( kể cả thuê máy ): Được xác định trên cơ sở khối lượng theo thiết
kế bản vẽ thi công và Đơn giá ca máy do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa
phương công bố hoặc tính trực tiếp theo hướng dẫn phương pháp xác định giá ca
máy tại Thông tư số 07/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng.
Trường hợp
áp dụng đơn giá ca máy và thiết bị thi công do Sở Xây dựng công bố tại Văn bản
số 56/SXD-CB ngày 23/01/2008 thì được điều chỉnh nhân với hệ số 1,14 lần.
- Chi phí
trực tiếp khác: Được khoán trong dự toán và tính bằng 1,5% của tổng chi phí vật
liệu, nhân công và máy thi công nói trên.
b- Chi phí
chung : chi phí chung bao gồm chi phí quản lý và điều hành sản xuất tại công
trường, chi phí phục vụ công nhân, chi phí phục vụ thi công tại công trường và
một số chi phí khác của doanh nghiệp. Chi phí chung được tính bằng tỷ lệ % trên
chi phí trực tiếp (hoặc % trên chi phí nhân công) theo loại công trình, cụ thể
như sau:
- Công
trình dân dụng: Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản, trạm xá, chợ, cửa hàng thương
mại, trung tâm khuyến nông cụm xã, nhà ở bán trú và công trình phụ trợ phục vụ
học sinh bán trú, khu phục vụ sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, trường học và các
công trình dân dụng khác = 6,6% x chi phí trực tiếp.
- Công
trình điện: đường dây, trạm biến áp, đường điện hạ thế và các công trình điện
khác = 6% x chi phí trực tiếp.
- Công
trình giao thông : đường từ thôn bản đến trung tâm xã và liên thôn bản, cầu cống
và các công trình giao thông khác = 5,8% x chi phí trực tiếp. Riêng công tác
duy tu sửa chữa thường xuyên đường bộ = 72% x chi phí nhân công.
- Công
trình thuỷ lợi nhỏ = 6% x chi phí trực tiếp. Riêng đào, đắp đất công trình thuỷ
lợi bằng thủ công = 56% x chi phí nhân công.
- Công
trình cấp nước sinh hoạt = 5% x chi phí trực tiếp.
Riêng đối
với khối lượng xây dựng do xã tự làm thì chi phí chung được tính bằng 50% của mức
chi phí chung quy định nêu trên.
c- Thu nhập
chịu thuế tính trước : Được tính bằng tỷ lệ % trên chi phí trực tiếp và chi phí
chung. Thu nhập chịu thuế tính trước theo loại công trình cụ thể như sau:
- Công
trình dân dụng: Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản, trạm xá, chợ, cửa hàng thương
mại, trung tâm khuyến nông cụm xã, nhà ở bán trú và công trình phụ trợ phục vụ
học sinh bán trú, khu phục vụ sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, trường học và các
công trình dân dụng khác = 5,5%
- Công
trình điện: đường dây, trạm biến áp, đường điện hạ thế và các công trình điện
khác = 6%
- Công
trình giao thông : đường từ thôn bản đến trung tâm xã và liên thôn bản, cầu cống
và các công trình giao thông khác (kể cả công tác duy tu sửa chữa thường xuyên
đường bộ ) = 6%
- Công
trình thuỷ lợi nhỏ (kể cả đào, đắp đất bằng thủ công ) = 5,5%
- Công
trình cấp nước sinh hoạt = 5,5%
d- Thuế giá
trị gia tăng : thuế giá trị gia tăng cho công tác xây dựng được tính theo qui định
hiện hành. Hiện thuế giá trị gia tăng trong xây dựng phần xây lắp là 10% trên
chi phí trực tiếp, chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước.
e- Chi phí
nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công : được tính bằng 2% trên tổng
chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước.
Phần khối
lượng do dân tự làm không tính chi phí nhà tạm tại hiện trường.
Phần khối
lượng do dân tự làm sử dụng nhân công, vật tư, vật liệu khai thác tại chỗ, khối
lượng của những hạng mục công trình sử dụng kinh phí đóng góp của dân được lập
dự toán riêng và không tính thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia
tăng, chi phí nhà tạm trong dự toán.
Bảng dự
toán chi phí xây dựng công trình được lập theo qui định tại Bảng 1.2 Phụ lục số
1 của Thông tư số 02/2008/TT-BXD.
2. Chi phí thiết bị : bao gồm chi phí mua
sắm thiết bị, chi phí lắp đặt thiết bị và thí nghiệm, hiệu chỉnh (nếu có).
Chi phí
thiết bị được xác định theo hướng dẫn tại điểm 2.2.2 Thông tư số 05/2007/TT-BXD
ngày 25/7/2007 hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của
Bộ Xây dựng.
Dự toán
chi phí thiết bị của công trình được lập theo qui định tại Bảng 1.4 Phụ lục số
1 của Thông tư số 02/2008/TT-BXD.
3. Chi phí Ban quản lý dự án :
- Đối với
dự án do cấp huyện làm Chủ đầu tư : Mức chi phí ban quản lý dự án bằng 2,7% tổng
giá trị chi phí xây dựng và thiết bị của công trình trong Báo cáo kinh tế kỹ
thuật được duyệt.
- Đối với
dự án do cấp xã làm Chủ đầu tư : Mức chi phí ban quản lý dự án bằng 2,2% tổng
giá trị chi phí xây dựng và thiết bị của công trình trong Báo cáo kinh tế kỹ
thuật được duyệt.
Các khoản
chi về quản lý Chương trình và hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình của các cấp
chính quyền địa phương không thuộc nội dung chi phí ban quản lý dự án và không
được tính vào chi phí thực hiện dự án.
4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng :
a. Chi phí
lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật:
Mức chi
phí để lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được tính bằng tỷ lệ (%) của tổng chi phí
xây dựng và chi phí thiết bị trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được duyệt và được
qui định theo từng loại công trình như sau :
- Công
trình dân dụng: Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản, trạm xá, chợ, cửa hàng thương
mại, trung tâm khuyến nông cụm xã, nhà ở bán trú và công trình phụ trợ phục vụ
học sinh bán trú, khu phục vụ sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, trường học và các
công trình dân dụng khác bằng 4,07%.
- Công
trình điện: Đường dây, trạm biến áp, điện hạ thế đến thôn bản và các công trình
điện khác bằng 4,1%.
- Công
trình giao thông: Đường dân sinh từ thôn bản đến trung tâm xã và liên thôn bản,
cầu cống và các công trình giao thông khác bằng 3,5 %.
- Công
trình thủy lợi nhỏ bằng 3,91%.
- Công
trình cấp nước sinh hoạt bằng 3,75 %.
Trường hợp
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật có sử dụng thiết kế điển hình, thiết kế mẫu do cơ
quan có thẩm quyền ban hành thì chi phí lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được
tính theo mức nói trên nhân với hệ số điều chỉnh là 0,6.
b. Chi phí
thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình:
Chi phí thẩm
tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình thuộc Báo cáo kinh
tế - kỹ thuật được tính bằng 0,3% của chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị
gia tăng) trong chi phí đầu tư xây dựng công trình được duyệt cho tất cả các loại
công trình, trong đó chi phí thẩm tra dự toán xây dựng công trình bằng 50% của
định mức chi phí nói trên.
c. Chi phí
khảo sát xây dựng :
Chi phí về
khảo sát xây dựng như khoan khảo sát địa chất công trình; lấy mẫu thí nghiệm đất,
đá; đo vẽ bản đồ hiện trạng khu vực xây dựng được xác định bằng cách lập dự
toán.
Trường hợp
chi phí khảo sát xây dựng áp dụng đơn giá do Sở Xây dựng công bố tại Văn bản số
56/SXD-CB ngày 23/01/2008 thì chi phí nhân công được điều chỉnh nhân với hệ số
1,54 lần, chi phí máy được điều chỉnh nhân với hệ số 1,14 lần.
d. Chi phí
lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào
công trình :
Chi phí lựa
chọn nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công
trình được tính không lớn hơn 0,4% của chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị
gia tăng) trong chi phí đầu tư xây dựng công trình được duyệt. Trong đó chi phí
lập hồ sơ mời thầu bằng 40% của định mức chi phí nói trên.
e. Chi phí
giám sát thi công xây dựng và chi phí giám sát lắp đặt thiết bị công trình:
Chi phí
thuê tư vấn giám sát thi công xây dựng được tính bằng 2,7% của chi phí xây dựng
(chưa có thuế giá trị gia tăng) trong chi phí đầu tư xây dựng công trình được
duyệt.
Chi phí tư
vấn giám sát lắp đặt thiết bị công trình áp dụng chung một mức bằng 1% của
chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong chi phí đầu tư xây dựng
công trình được duyệt.
Chi phí
cho Ban giám sát xã được tính bằng 1% của chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị
gia tăng) trong chi phí đầu tư xây dựng công trình được duyệt.
g. Chi phí
tư vấn quản lý dự án (nếu có) : Trường hợp phải thuê tư vấn quản lý dự án thì
chi phí thuê tư vấn xác định bằng dự toán trên cơ sở nội dung, khối lượng công
việc quản lý do Chủ đầu tư thuê và các chế độ chính sách theo qui định trong phạm
vi mức chi phí qui định cho Ban quản lý dự án ở mục 3 nêu trên ( Chi phí Ban
QLDA )
Nội dung dự
toán như hướng dẫn trong Phụ lục số 3 của Thông tư số 02/2008/TT-BXD. Chủ đầu
tư phê duyệt dự toán chi phí này và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết
định của mình.
h. Chi phí
cho các công việc tư vấn còn lại : Chi phí lựa chọn nhà thầu khảo sát, tư vấn;
chi phí giám sát khảo sát xây dựng; chi phí kiểm định chất lượng công trình;
chi phí qui đổi vốn đầu tư; chi phí lập định mức, đơn giá xây dựng công trình
(nếu có) và các chi phí tư vấn khác, Chủ đầu tư lập và phê duyệt dự toán các
chi phí này nhưng không vượt quá 1,5% của chi phí xây dựng và tự chịu trách nhiệm
trước pháp luật về quyết định của mình. Nội dung dự toán như hướng dẫn trong Phụ
lục số 3 của Thông tư này.
5. Chi phí khác :
a. Lệ phí
thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật : Xác định theo qui định của Bộ Tài chính.
b. Chi phí
thẩm tra, phê duyệt quyết toán và chi phí kiểm toán vốn đầu tư: Xác định
theo qui định của Bộ Tài chính.
c. Chi phí
bảo hiểm công trình : Xác định theo qui định của Bộ Tài chính.
d. Một số
chi phí khác: Nếu chưa có qui định hoặc chưa tính được ngay thì được tạm tính
đưa vào dự toán xây dựng công trình để dự trù kinh phí.
6. Chi phí dự phòng :
Chi phí dự
phòng là khoản chi phí để dự trù cho khối lượng công việc phát sinh và các yếu
tố trượt giá trong thời gian xây dựng, được tính tối đa bằng 10% trên tổng chi
phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí Ban quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu
tư xây dựng và chi phí khác.
Bảng tổng
hợp dự toán xây dựng công trình theo mẫu hướng dẫn tại Bảng 1.1 Phụ lục số 1 của
Hướng dẫn này.
II. Tổ chức thực hiện.
1. Những
chương trình dự án khác ngoài Chương trình 135 nếu lồng ghép vốn với Chương
trình 135 có tỷ lệ góp vốn bằng hoặc lớn hơn 50% tổng mức đầu tư thì việc áp dụng
Hướng dẫn này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
2. Uỷ ban
nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng kiểm tra tình hình thực việc lập và quản lý chi
phí đầu tư xây dựng công trình; đồng thời hướng dẫn và quy định việc áp dụng suất
vốn đầu tư, định mức xây dựng, đơn giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng
của các dự án thuộc Chương trình 135 do địa phương quản lý.
3. Việc
chuyển tiếp thực hiện theo Điều 36 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của
Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp thấy cần
thiết thực hiện các quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công
trình thuộc Chương trình 135 bao gồm : tổng mức đầu tư; dự toán xây dựng công
trình; định mức và đơn giá xây dựng; hợp đồng trong hoạt động xây dựng; thanh
toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình theo các quy định tại Nghị định
99/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Nghị định, thì Chủ tịch UBND tỉnh xem
xét, quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ, giảm thiểu các thủ tục hành chính không
cần thiết.
Phần III
QUẢN LÝ, BẢO VỆ,
KHAI THÁC SỬ DỤNG VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH SAU ĐẦU TƯ
I. Quy định chung
1. Công trình cơ sở
hạ tầng khi được xây dựng xong phải được bàn giao cho UBND xã tiếp nhận để quản
lý sử dụng. UBND xã quản lý hồ sơ các dự án cơ sở hạ tầng làm cơ sở cho việc quản
lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình sau đầu tư (đối với các
công trình do UBND huyện làm Chủ đầu tư, UBND huyện bàn giao cho UBND xã một bộ
hồ sơ bao gồm: Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ khảo sát, dự toán và Quyết
định phê duyệt quyết toán công trình).
2. Mỗi công trình
cơ sở hạ tầng sau khi bàn giao đưa vào sử dụng đều phải được UBND xã giao cụ thể
cho một tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và
bảo trì công trình theo quy định.
Các tổ chức, cá
nhân được được giao quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình
bao gồm: các Hợp tác xã, Ban quản lý, Tổ quản lý, Hiệu trưởng nhà trường, Trạm trưởng
y tế xã, Trưởng các thôn bản.... Các tổ chức, cá nhân này hiện đã có tại xã hoặc
do UBND xã quyết định thành lập mới gồm các thành phần là cán bộ xã, thôn, bản,
cán bộ các đoàn thể hoặc người có trách nhiệm, có điều kiện, có trình độ hiểu
biết về chuyên môn, có uy tín trong nhân dân.
3. Tổ chức, cá
nhân được giao quản lý công trình hạ tầng có trách nhiệm xây dựng và thực hiện
Quy chế quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình cụ thể, chi tiết
và phù hợp đối với mỗi loại công trình, đảm bảo dân chủ công khai đến mọi người
dân và được UBND xã phê duyệt.
II. Bảo trì công trình:
1. Bảo trì công
trình được thực hiện theo các cấp bảo trì như sau:
a) Công tác duy tu
bảo dưỡng: Được tiến hành thường xuyên để đề phòng hư hỏng của từng chi tiết bộ
phận công trình.
b) Sửa chữa nhỏ:
được tiến hành khi có hư hỏng ở một số chi tiết của bộ phận công trình nhằm
khôi phục chất lượng ban đầu của chi tiết đó.
c) Sửa chữa vừa:
Được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở một bộ phận công trình nhằm khôi
phục chất lượng ban đầu của bộ phận công trình đó.
d) Sửa chữa lớn:
Được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm
khôi phục chất lượng ban đầu của công trình.
2. Đối với công
trình xây dựng mới tổ chức tư vấn thiết kế khi thiết kế công trình có trách nhiệm
lập quy trình bảo trì cụ thể cho từng công trình. Đối với các công trình đang sử
dụng chưa có quy trình bảo trì UBND xã thuê tổ chức tư vấn kiểm định, đánh giá
chất lượng và lập quy trình bảo trì công trình.
III. Quy chế quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình:
Tổ chức, cá nhân
khi được giao quản lý, tùy theo đặc thù của mỗi công trình có trách nhiệm xây dựng
Quy chế quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình cụ thể, phù hợp
theo các nội dung sau:
1. Tổ chức quản
lý:
Khi các công trình
hạ tầng được bàn giao đưa vào sử dụng, UBND xã giao cho các tổ chức, cá nhân quản
lý theo hướng như sau:
a) Đường giao
thông nông thôn giao cho Trưởng các thôn bản quản lý theo địa giới hành chính
nơi có đường đi qua.
b) Các công trình
thủy lợi và nước sinh hoạt giao cho Hợp tác xã hoặc Ban quản lý thủy lợi và nước
sinh hoạt hoặc Tổ quản lý do UBND xã thành lập tại nơi được hưởng lợi từ dự án.
c) Các công trình
trường học giao cho Hiệu trưởng nhà trường quản lý.
d) Trạm y tế xã
giao cho Trạm trưởng y tế xã quản lý.
e) Công trình chợ
giao cho Ban quản lý chợ hoặc Tổ quản lý chợ do UBND xã thành lập.
g) Công trình điện
nông thôn giao cho Hợp tác xã hoặc Tổ quản lý điện do UBND xã thành lập để quản
lý và kinh doanh điện.
h) Các công trình
công cộng của thôn bản thì giao cho Trưởng thôn bản đó quản lý.
2. Khai thác sử
dụng, bảo vệ công trình
Trong quá trình
khai thác sử dụng công trình phải: kiểm tra, bảo vệ thường xuyên để tránh sự
phá hoại của người, gia súc, các phương tiện hoạt động và sự phá hoại của thiên
tai. Nghiêm cấm các hành vi xâm lấn, vi phạm hành lang an toàn quy định của
công trình. Tùy theo đặc thù của mỗi công trình có quy định về bảo vệ riêng cho
phù hợp.
2.1. Đối với công
trình giao thông:
Trong quá trình khai
thác sử dụng thì phải thường xuyên khơi thông hệ thống thoát nước, đắp bù đất nền
đường, phát dọn cây cỏ ven đường. Gia cố các mái ta luy có nguy cơ sạt lỡ, các
nơi có khả năng mất chân đường do xói lở ....
Việc khai thác, sử
dụng trong phạm vi đất hành lang an toàn giao thông cho phép phải đảm bảo các
yêu cầu sau:
+ Đối với đường đắp:
Trồng cây cách mép chân đường ít nhất 01m đối với cây lương thực, hoa mầu; 02m
đối với cây ăn quả, cây lấy gỗ.
+ Đối với đường
đào: phải trồng cách mép đỉnh mái đường hoặc mép ngoài rãnh đỉnh ít nhất 06m.
+ Chỉ được trồng
các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ có rễ ăn sâu và không cản trở tầm nhìn của người
tham gia giao thông. Riêng tại các đoạn gần nơi giao nhau, chỉ được trồng các
loại cây thấp không cản trở đến tầm nhìn.
+ Các ao hồ nuôi
trồng thủy sản phải cách mép chân đường một khoảng tối thiểu bằng mức chênh lệch
về độ cao giữa mép chân nền đường đắp và đáy ao hồ. Mức nước trong ao hồ không
được cao hơn cao độ chân nền đường.
+ Các mương thủy lợi
phải cách chân mái đường đắp một khoảng cách tối thiểu bằng chiều sâu của mương
và mức nước trong mương không được cao hơn cao độ chân nền đường, trừ trường hợp
lũ lụt.
+ Lò vôi, lò gạch
phải cách chân nền đường ít nhất 25m.
+ Nơi họp chợ và
các điểm kinh doanh, dịch vụ phải nằm ngoài hành lang an toàn giao thông.
Nghiêm cấm các
hành vi sau đây:
- Không đào, khoan
xẻ đường trái phép.
- Đặt chướng ngại
vật trên đường gây cản trở giao thông.
- Thả rông, chăn dắt
súc vật trên mặt đường, mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường, cọc
tiêu..
- Khai thác trái
phép cát, đá, sỏi hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng tới an toàn công trình
giao thông.
- Lấn chiếm đất hành lang an
toàn giao thông.
2.2. Công trình điện:
Trong quá trình khai thác sử
công trình điện phải thường xuyên thực hiện tốt các nội dung sau:
+ Phải thường xuyên phát dọn ngọn,
cành cây để đảm bảo an toàn lưới điện.
+ Thường xuyên kiểm tra, phát hiện
kịp thời các sự cố lún, sạt, nghiêng cột, đường dây tải điện bị đứt, võng quá mức
cho phép để có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho lưới điện.
+ Đấu nối đường điện vào nhà phải
sử dụng dây dẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, theo qui phạm của ngành điện đề
ra. Sử dụng thiết bị điện phải dưới mức chịu tải của dây dẫn. Đường điện vào
nhà và mỗi thiết bị trong nhà phải có thiết bị bảo vệ an toàn như cầu dao điện,
cầu chì, công tắc....
+ Không được buộc súc vật vào cột
điện, chăn dắt súc vật dưới đường dây điện.
+ Không được làm nhà, hàng quán,
lán trại dưới đường dây điện....
2.3. Công trình thủy lợi:
Trong quá trình khai thác sử
công trình thủy lợi cần thực hiện tốt các nội dung sau:
+ Thường xuyên nạo vét bùn đất,
khơi thông dòng chảy của mương phai.
+ Kiểm tra thường xuyên nhằm
phát hiện các sự cố sạt lỡ, hư hỏng của kênh mương để có biện pháp sửa chửa kịp
thời.
+ Không được khai thác cát đá, sỏi
sát chân bờ kênh mương, đập.
+ Trong phạm vi bảo vệ công
trình thủy lợi, các hoạt động sau phải xem xét cho phép mới được thực hiện, đó
là: Trồng cây lâu năm, hoạt động giao thông vận tải, xây dựng nhà kho, bến bãi,
chường trại chăn nuôi, chôn lấp phế thải, chất thải...
Nghiêm cấm các hành vi phá hoại
rừng cây đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước.
2.4. Công trình nước sinh hoạt:
Cần quan tâm chú trọng một số nội
dung sau trong khai thác sử dụng:
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống
đường ống và các bể chứa, lọc nước nhằm phát hiện những hư hỏng để sửa chửa khắc
phục kịp thời.
- Không phát, đốt nương nơi đầu
nguồn nước.
- Không chăn dắt súc vật, tắm giặt
nơi đầu nguồn nước.
- Không làm chuồng trại chăn
nuôi, nhà vệ sinh đầu nguồn nước.
2.5 Các công trình trường lớp học,
nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm xá, nhà lồng chợ:
- Phải thường xuyên kiểm tra hiện
trạng các công trình, khi phát hiện những hư hỏng phải sửa chửa kịp thời như vỡ
ngói, thấm dột, bong tróc lớp trát, lún sụt nền, sói lỡ móng, cong vênh cửa...
- Trong quá trình khai thác sử dụng
phải đúng công năng, mục đích theo thiết kế. Không cơi nới, tự ý tháo dỡ hoặc
phá dỡ làm biến dạng công trình.
- Khi mùa mưa bão tới cần lập
phương án phòng chống, chằng néo đảm bảo an toàn cho công trình.
3. Quy trình bảo
trì công trình:
Thực hiện đúng quy
trình bảo trì công trình đã được xây dựng (Do đơn vị tư vấn thiết kế lập khi thiết
kế công trình hoặc lập mới) theo các nội dung chính sau:
- Thực hiện việc
duy tu bảo dưỡng thường xuyên từng chi tiết, bộ phận công trình trong quá trình
khai thác sử dụng. (Thí dụ: Đối với công trình đường giao thông: thường xuyên
san đắp tu sửa mặt đường, khơi thông rãnh nước....; Đối với công trình thủy lợi,
nước sinh hoạt: Thường xuyên khơi thông đập, hệ thống mương phai, ống cấp nước,
bể nước; hót đất sạt lở.....).
- Tổ chức việc sửa
chữa nhỏ, sửa chữa vừa công trình kịp thời khi có hư hỏng tại các chi tiết, bộ
phận công trình để đảm bảo công trình vận hành sử dụng đảm bảo chất lượng và
công suất.
- Tổ chức việc sửa
chữa lớn khi công trình bị hư hỏng nặng hoặc bị thiên tai phá hoại để khôi phục
lại chất lượng ban đầu và đảm bảo công trình vận hành sử dụng đúng mục tiêu đề
ra.
4. Kinh phí,
nhân lực:
- Kinh phí, nhân lực
cho công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình được huy
động từ các nguồn vốn khác nhau và lực lượng lao động xã hội ở địa phương nơi
hưởng lợi từ dự án.
- Khi cần sửa chữa
vừa và nhỏ công trình, tổ chức cá nhân được giao quản lý công trình huy động
lao động xã hội và sự đóng góp của nhân dân địa phương để thực hiện. Đối với
các công trình bị thiên tai hoặc hư hỏng nặng thì tổ chức, cá nhân quản lý có
trách nhiệm lập hồ sơ dự toán khắc phục sửa chữa, báo cáo UBND xã huy động kinh
phí, lực lượng lao động xã hội khắc phục, sửa chữa. Trường hợp công trình hư hỏng
nặng, kỹ thuật phức tạp UBND xã báo cáo UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí, kỹ
thuật để sửa chữa.
- Khi quy định
đóng góp về kinh phí và lao động xã hội các tổ chức, cá nhân được giao quản lý
công trình phải bàn bạc, thống thất về mức độ đóng góp hàng tháng hoặc năm với
các hộ được hưởng lợi sau đó đề nghị UBND xã trình HĐND xã quyết định mức thu,
mức đóng góp cho phù hợp. Số kinh phí thu này phải được quản lý chặt chẽ và sử
dụng đúng quy định của Nhà nước.
5. Xử lý các
hành vi vi phạm:
Xây dựng quy định
cụ thể về xử lý các hành vi vi phạm và giải quyết các khiếu nại tố cáo các vấn
đề trong quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình và tổ chức thực
hiện nghiêm túc, đúng pháp luật.
IV. Trách nhiệm UBND huyện, UBND xã
1. UBND huyện:
- Tổ chức, hướng dẫn
UBND các xã, các tổ chức, cá nhân xây dựng và thực hiện Quy chế quản lý, bảo vệ,
khai thác sử dụng và bảo trì công trình; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo
dục nhân dân chấp hành tốt các quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng
và bảo trì công trình trên địa bàn.
- Thường xuyên kiểm
tra, giám sát, đôn đốc UBND các xã, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác
quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì công trình.
- Huy động mọi lực
lượng, kinh phí, vật tư, thiết bị để bảo vệ và khắc phục kịp thời công trình hạ
tầng nông thôn khi có sự cố thiên tai địch họa gây ra.
- Quản lý phương
tiện giao thông quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
- Giải quyết tranh
chấp khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến việc quản lý, bảo vệ, khai thác
sử dụng và bảo trì công trình trên địa bàn theo quy định pháp luật.
- Thống kê hiện trạng
các công trình đã được đầu tư bằng nguồn vốn 135 nêu rõ hiện trạng để nhân rộng
những mô hình quản lý tốt.
2. UBND cấp xã:
- Tổ chức quản lý
hệ thống các công trình hạ tầng trên địa bàn. Phê duyệt, ban hành Quy chế quản
lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì các công trình hạ tầng trên địa bàn.
- Tuyên truyền phổ
biến giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định về quản lý, bảo vệ, vận hành
sử dụng và bảo trì công trình hạ tầng.
- Thường xuyên kiểm
tra, nghiệm thu, đôn đốc các tổ chức, cá nhân đã được giao thực hiện công tác
quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng và bảo trì công trình để khai thác và sử dụng
có hiệu quả.
- Giải quyết tranh
chấp khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến việc quản lý, bảo vệ, khai thác
sử dụng và bảo trì công trình trên địa bàn theo quy định pháp luật.
- Tổ chức, lập kế
hoạch huy động lao động xã hội tại địa phương tham gia đóng góp kinh phí, vật
tư vật liệu để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì các công trình do xã quản
lý. Trình UBND huyện phê duyệt các công trình phải sửa chữa lớn để triển khai
thực hiện.
- Thống kê hiện trạng
các công trình 135 đã được đầu tư cho xã, nêu những khó khăn và thuận lợi trong
công tác triển khai dự án để rút ra những kinh nghiệm quản lý tốt.
3. Các tổ chức,
cá nhân được giao quản lý công trình sau đầu tư:
- Tổ chức thực hiện
việc quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì theo quy định đã được UBND
xã phê duyệt.
- Chịu trách nhiệm
trước pháp luật về việc chất lượng công trình xây dựng bị xuống cấp, hư hỏng,
hiệu quả sử dụng thấp do không thực hiện các qui định về quản lý, bảo vệ, khai
thác sử dụng và bảo trì theo qui định.
Hướng dẫn này thay
thế hướng dẫn số 275/HD-SXD ngày 19/7/2007 của Sở Xây dựng về việc Lập và Quản
lý chi phí đầu tư xây dựng; Hướng dẫn Quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo
trì công trình sau đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phát
triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006 - 2010 (chương
trình 135 giai đoạn 2) trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng
để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (thay b/c);
- UBND tỉnh ( B/C)
- UBND các huyện thị, TP;
- Các Sở, Ban, Ngành liên quan;
- Lãnh đạo Sở, các phòng ban trong Sở;
- Lưu VT + KT.
|
GIÁM
ĐỐC
Hoàng Văn Minh
|