Hướng dẫn 471/HD-BTĐKT năm 2014 về khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 -2015 Ban Thi đua khen thưởng Trung ương ban hành

Số hiệu 471/HD-BTĐKT
Ngày ban hành 03/04/2014
Ngày có hiệu lực 03/04/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
Người ký Trần Thị Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
BAN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 471/HD-BTĐKT

Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI TẬP THỂ, CÁ NHÂN CÓ THÀNH TÍCH TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA “CẢ NƯỚC CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” GIAI ĐOẠN 2011 -2015

Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, để động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia Phong trào thi đua, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xây dựng và ban hành hướng dẫn các hình thức khen thưởng giai đoạn 2011 -2015 như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, xã và tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” (dưới đây gọi tắt là Phong trào thi đua).

II. TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG

1. Đối với các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương

a) Hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn xây dựng nông thôn mới được quy định tại Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ban hành theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Bám sát thực tiễn, nghiên cứu bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

c) Có đăng ký và có kế hoạch cụ thể tham gia chỉ đạo, hỗ trợ làm chuyển biến rõ nét ít nhất một địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Cấp Bộ, ngành đăng ký hỗ trợ cấp tỉnh; những đơn vị trực thuộc Bộ, ngành (cấp Cục, Vụ, Viện....) đăng ký hỗ trợ làm chuyển biến rõ nét ít nhất 01 đơn vị cấp huyện hoặc cấp xã.

2. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Xây dựng và triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua trên địa bàn; có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách sát đúng; nhiều cách làm hay và sáng tạo, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương; có chỉ đạo điểm và sơ kết tổng kết, khen thưởng theo từng giai đoạn theo sự chỉ đạo của Trung ương.

b) Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được khen thưởng trong Phong trào thi đua phải là tỉnh, thành phố có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong vùng, đồng thời phải có nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới tiêu biểu so với các tỉnh, thành phố trong vùng.

3. Đối với cấp huyện

a) Xây dựng và triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua trên địa bàn; có nhiều cách làm sáng tạo; đề ra các nội dung, giải pháp sát đúng, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương.

b) Huyện tiêu biểu, có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2011 - 2015.

4. Đối với xã

a) Phải đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời là xã tiêu biểu trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới;

b) Xã có nhiều thành tích xuất sắc trong triển khai Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

5. Đối với cá nhân và hộ gia đình

a) Cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong thực hiện Phong trào thi đua.

b) Đối tượng khác (doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, các cá nhân ở trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài...) tích cực tham gia Phong trào thi đua và có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất, sáng kiến, huy động nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới (gắn với địa chỉ cụ thể).

c) Hộ gia đình nông thôn tiêu biểu trong tham gia Phong trào thi đua; có nhiều thành tích cụ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia hiến đất, hiến tài sản, góp công, tham gia cải tạo nơi ở (nhà, công trình vệ sinh, ao vườn, tường rào, cổng ngõ) xanh, sạch, đẹp; giữ vệ sinh môi trường; sản xuất giỏi, có thu nhập ổn định từ khá trở lên và giúp đỡ cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

6. Đối với tổ chức kinh tế, doanh nghiệp

Những tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có đóng góp lớn vào xây dựng nông thôn mới, đạt một trong các tiêu chuẩn:

a) Hỗ trợ trực tiếp cho 01 xã trở lên, tạo chuyển biến trong thực hiện từ 02 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trở lên; thuộc lĩnh vực liên kết sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo, xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường nông thôn; được Ban chỉ đạo hoặc Ban quản lý xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ghi nhận.

b) Có mức đóng góp cho xây dựng nông thôn mới từ 15 tỷ đồng trở lên (với khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thì có đóng góp tối thiểu từ 07 tỷ đồng trở lên).

Trên cơ sở các tiêu chuẩn chung trên đây, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào đặc điểm, tình hình, điều kiện của Bộ, ngành, địa phương mình, đề ra các tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp, làm căn cứ bình xét, khen thưởng theo thẩm quyền.

[...]