BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC TRỒNG TRỌT
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
352/HD-TT-CLT
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2009
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 99/2008/QĐ-BNN NGÀY 15/10/2008 CỦA BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH RAU, QUẢ VÀ CHÈ AN
TOÀN
Ngày 15 tháng 10 năm 2008, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN về
sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn. Quyết định này thay thế Quyết định
số 43/2007/QĐ-BNN ngày 16/5/2007 về sản xuất, chế biến và chứng nhận chè an
toàn và Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007 về sản xuất, kinh doanh
rau an toàn.
Để giúp các địa phương, tổ chức,
cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Quyết định nói trên, Cục Trồng trọt
hướng dẫn cụ thể một số nội dung dưới đây.
1. Đối tượng
và lộ trình áp dụng (Khoản 2, Điều 1; Khoản 1, Điều
13)
1.1. Quyết định số
99/2008/QĐ-BNN áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có
đăng ký sản xuất, kinh doanh rau, quả, chè tại Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân
phải đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến; thực hiện công bố sản phẩm
rau, quả, chè sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP (hoặc GAP tương đương) và chế biến
chè phù hợp HACCP theo lộ trình sau:
- Các doanh nghiệp, đơn vị sự
nghiệp, hợp tác xã, siêu thị, hộ bán buôn hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm
2010;
- Các hộ nông dân sản xuất theo
mô hình trang trại, hộ bán lẻ hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2012;
- Các tổ chức, cá nhân khác hoàn
thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Như vậy các tổ chức, cá nhân sản
xuất, sơ chế rau; sản xuất, sơ chế, chế biến chè với mục đích kinh doanh hàng
hóa bắt buộc phải thực hiện quy định này với lộ trình như trên.
Lộ trình trên nhằm thực hiện Quyết
định 107/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/7/2008 về một số chính
sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn với mục
tiêu đến hết năm 2015 các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung phải
đáp ứng điều kiện sản xuất, sơ chế an toàn theo VietGAP và 100% sản phẩm rau,
quả và chè tiêu thụ trong nước, làm nguyên liệu cho chế biến và cho xuất khẩu
là sản phẩm được công bố sản xuất, chế biến theo quy trình sản xuất an toàn phù
hợp với VietGAP và HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn)
.
1.2. Ngân sách nhà nước từ Trung
ương, địa phương, hợp tác quốc tế (nếu có) sẽ đầu tư, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân
cam kết thực hiện quy định so với lộ trình trên, trong đó ưu tiên tổ chức, cá
nhân thực hiện trước.
2. Thực hành
sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practices - GAP)
2.1. Trên cơ sở các GAP của thế
giới và thực tiễn trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban
hành VietGAP cho rau, quả an toàn (Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày
28/01/2008) và VietGAP cho chè búp tươi an toàn (Quyết định số 1121/QĐ-BNN-KHCN
ngày 14/4/2008). Phụ lục 3 của Quy chế chứng nhận VietGAP ban hành theo Quyết định
số 84/2008/QĐ-BNN ngày 28/7/2008 đã quy định chi tiết các chỉ tiêu kiểm tra và
hướng dẫn đánh giá VietGAP; cụ thể đối với rau, quả có 37 chỉ tiêu loại A (bắt
buộc áp dung), 24 chỉ tiêu loại B (cần áp dụng) và 4 chỉ tiêu loại C (khuyến
khích áp dụng); các chỉ tiêu này đối với chè lần lượt là 31-20-4. Sổ tay hướng
dẫn VietGAP trên rau dự kiến ban hành trong quý II/2009 sẽ tiếp tục cụ thể hoá
các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP.
2.2. GlobalGAP/ EurepGAP,
AseanGAP được hiểu là các GAP tương đương VietGAP và được phép áp dụng và chứng
nhận tại Việt Nam.
2.3. VietGAP và các GAP khác
không phải là quy trình sản xuất mà chỉ nêu lên các nguyên tắc và hành động
đúng mà nhà sản xuất, sơ chế phải áp dụng để loại trừ các mối nguy có thể xẩy
ra từ khi bắt đầu sản xuất đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Các nhóm mối nguy đó bao gồm các mối nguy về hóa học (kim loại nặng, thuốc bảo
vệ thực vật và nitorat ), vi sinh vật (E. Coli, Samonella, Coliforms…) và vật
lý (như mảnh vỡ bóng đèn…) có thể nhiễm vào sản phẩm từ đất trồng, nước tưới,
phân bón, thuốc BVTV, nước rửa, dụng cụ sơ chế, người sản xuất, sơ chế…và có thể
xẩy ra trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế.
Ngoài ra, VietGAP yêu cầu nhà sản
xuất phải ghi chép các thông tin về điều kiện sản xuất, sơ chế và các biện pháp
đã áp dụng trong quá trình sản xuất, sơ chế, bán sản phẩm để nhà sản xuất kịp
thời khắc phục sai sót và có thể truy nguyên được nguồn gốc khi sản phẩm không
đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo Quyết định số
99/2008/QĐ-BNN thì VietGAP có thể được tóm tắt, cụ thể hoá như sau:
Đáp
ứng điều kiện sản xuất, sơ chế an toàn theo VietGAP
Cán bộ kỹ thuật, người lao động, quy trình sản xuất,
sơ chế an toàn; đất trồng; nước tưới; nước rửa, nhà xưởng, dụng cụ sơ chế,
bao gói; biểu mẫu ghi chép...
|
+
|
Áp
dụng quy trình sản xuất an toàn theo VietGAP
Sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới và các
biện pháp kỹ thuật khác theo đúng quy định
|
+
|
Áp
dụng quy trình sơ chế an toàn theo VietGAP
Thời điểm thu hoạch; sử dụng nước rửa, hóa chất, dụng
cụ bảo quản, bao gói, phương tiện vận chuyển... theo đúng quy định
|
Ghi
chép lập hồ sơ về điều kiện sản xuất, sơ chế...
|
Ghi
chép về sử dụng giống, thuốc BVTV, phân bón...
|
Ghi
chép về thời điểm thu hoạch, chủng loại, khối lượng sản phẩm, nơi bán hàng
...
|
2.4. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy,
sản xuất theo GAP là xu thế tất yếu của ngành trồng trọt, trước hết đối với sản
xuất rau, quả, chè. Nhà sản xuất tuân thủ GAP thì chắc chắn sản phẩm của họ sẽ
đảm bảo VSATTP. Sản phẩm được công bố sản xuất, sơ chế theo GAP sẽ tạo niềm tin
cho người tiêu dùng rằng sản phẩm đó có mức độ VSATTP cao hơn các sản phẩm chưa
được công bố.
3. Khái niệm
về rau, quả, chè an toàn (Khoản 1,2 Điều 2)
3.1. Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy
chuẩn số 68/2006/QH11, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12, Nghị
định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá thì do đặc thù của quá trình sản xuất nên
rau, quả tươi và chè (gồm chè búp tươi và chè chế biến) là các sản phẩm, hàng
hóa dễ có khả năng gây mất an toàn sức khỏe người tiêu dùng (sản phẩm nhóm 2),
do đó phải quản lý chất lượng theo các quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn ban hành.
3.2. Quy chuẩn kỹ thuật sẽ quy
đinh các điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến; các biện pháp phải thực hiện
trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến và các chỉ tiêu VSATTP của sản phẩm
phải đạt để các nhà sản xuất bắt buộc phải áp dụng. Trong khi chờ ban hành các
quy chuẩn kỹ thuật, trong Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN đã có các điều khoản quy
định liên quan đến các nội dung nói trên để các tổ chức, cá nhân sản xuất rau,
quả, chè áp dụng (Điều 3, Điều 4, Điều 10, Phụ lục 1, 2, 3). Do đó, Quyết định
số 99/2008/QĐ-BNN có thể được coi như là một quy chuẩn kỹ thuật.
3.3. Theo Quyết định số
99/2008/QĐ-BNN thì nhà sản xuất an toàn phải công bố sản phẩm rau, quả, chè được
sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP tại Sở Nông nghiệp và PTNT. Căn cứ để công bố
là kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận độc lập (bên thứ 3) hoặc kết quả tự
đánh giá (tự chứng nhận) của nhà sản xuất (bên thứ nhất).
- Theo hướng dẫn tại Phụ lục II
Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về nội
dung, trình tự và nguyên tắc sử dụng các phương thức đánh giá sự phù hợp thì có
7 phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm,
hàng hoá. Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN đã chọn phương thức thứ 5 là đánh giá sự
phù hợp về chất lượng VSATTP của sản phẩm rau, quả, chè thông qua đánh giá quá
trình sản xuất, sơ chế và kiểm nghiệm mẫu điển hình; giám sát thông qua kiểm
nghiệm mẫu điển hình lấy tại nơi sản xuất, sơ chế hoặc trên thị trường kết hợp
với đánh giá quá trình sản xuất, sơ chế .
- Đánh giá, giám sát quá trình sản
xuất là đánh giá mức độ phù hợp của nhà sản xuất với các chỉ tiêu của VietGAP về
điều kiện sản xuất, sơ chế; quy trình sản xuất, sơ chế an toàn; hồ sơ ghi chép
của nhà sản xuất, sơ chế.
- Trong quá trình đánh giá, giám
sát thì một số mẫu điển hình được lấy tại nơi sản xuất, sơ chế hoặc thị trường
để kiểm nghiệm nhằm khẳng định mức độ VSATTP của sản phẩm rau, quả, chè của nhà
sản xuất.
Tóm lại, sản phẩm rau, quả, chè
an toàn là sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP và mẫu điển hình
đạt các chỉ tiêu VSATTP quy định tại Phụ lục 3 của Quyết định số
99/2008/QĐ-BNN.
4. Điều kiện
sản xuất, sơ chế rau, quả, chè an toàn (Điều 3, Điều
4)
4.1. Theo Quyết định số
11/2006/QĐ-BYT ngày 9/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì nhà sản xuất, sơ chế
rau, quả tươi thuộc đối tượng phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất,
sơ chế; đối với chè thì không bắt buộc, tuy nhiên nhà sản xuất phải đảm bảo được
các điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến theo quy định của Quyết định số
99/2008/QĐ-BNN.
4.2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện
sản xuất, sơ chế rau, quả, chè an toàn đã được các Sở Nông nghiệp và PTNT cấp
theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN vẫn tiếp tục có hiệu lực. Tuy nhiên, trong
thời gian sớm nhất nhà sản xuất phải bổ sung hoàn thiện các điều kiện sản xuất,
sơ chế cho phù hợp với Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN. Cụ thể là:
a) Chỉ tiêu kim loại nặng trong
đất
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất (QCVN 03:2008/BTNMT do Bộ Tài
nguyên Môi trường ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BTNMT ngày 18/7/2008)
thì hàm lượng của 5 kim loại nặng gồm Asen (As), Cadimi (Cd), Đồng (Cu), Chì
(Pb), Kẽm (Zn) trong đất nông nghiệp không được vượt quá ngưỡng được quy định
trong Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN. Như vậy, Cu và Zn là 2 kim loại nặng bổ
sung thêm so với Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN.
b) Chất lượng nước dùng để sơ chế,
chế biến rau, quả, chè
Theo phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng của Quyết định số 1329/2002/QĐ-BYT ngày 18/4/2002 của Bộ Y tế về
tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống thì:
- Cơ sở sơ chế, chế biến rau, quả,
chè được cấp nước từ trạm cấp nước tập trung quy mô lớn (cho 500 người trở
lên), thì bắt buộc áp dụng Quyết định trên.
- Cơ sở sơ chế, chế biến rau, quả,
chè được cấp nước từ trạm cấp nước tập trung quy mô nhỏ (cho dưới 500 người) hoặc
từ các nguồn cấp nước sinh hoạt đơn lẻ (giếng khoan, sông, hồ…) thì khuyến
khích áp dụng quyết định trên. Tuy nhiên, để đảm bảo VSATTP thì chất lượng nước
cần đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày
11/3/2005 của Bộ Y tế. Hiện nay, Bộ Y tế chuẩn bị ban hành quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về nước hợp vệ sinh theo hướng giảm các chỉ tiêu phân tích để thay thế
các tiêu chuẩn nói trên.
c) Quy trình sản xuất, sơ chế
theo VietGAP
- Nhà sản xuất hoặc địa phương
có thể tham khảo 7 Quy trình sản xuất rau an toàn (RAT) đối với cải bắp, dưa
chuột, đậu cô-ve, cà chua, đậu đũa, ngô rau và Quy trình quản lý dịch hại tổng
hợp trong sản xuất rau họ hoa thập tự an toàn, Tiêu chuẩn về sản xuất nông
nghiêp hữu cơ do Bộ Nông nghiệp-PTNT ban hành và các quy trình RAT các tỉnh,
thành phố đã ban hành (Hà Nội có 26 quy trình; Bắc Ninh có 11 quy trình; Hải
Phòng có 30 quy trình; Hải Dương có 3 quy trình; Vĩnh Phúc có 16 quy trình, Tp
HCM có 9 quy trình...) để bổ sung hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế cụ thể
đối với từng loại rau, quả, chè cho phù hợp với các nguyên tắc của VietGAP và
điều kiện cụ thể của địa phương.
- Quy trình sản xuất, sơ chế an
toàn theo VietGAP là tổng hợp các biện pháp kỹ thuật nhằm đạt năng suất cao hợp
lý, chất lượng sản phẩm tốt, đặc biệt phải đảm bảo VSATTP theo quy định. Quy
trình này có thể được bổ sung, cập nhật phù hợp với các tiến bộ kỹ thuật về giống,
phân bón, thuốc BVTV...
d) Quy trình chế biến chè an
toàn phù hợp với HACCP
Trong thời gian chờ Bộ Nông nghiệp
và PTNT ban hành Quy trình chế biến chè an toàn phù hợp với HACCP, các cơ sở chế
biến chè dựa theo Tiêu chuẩn 10TCN605-2004: Điều kiện vệ sinh thực phẩm đối với
cơ sở chế biến chè và các nguyên tắc của HACCP để xây dựng, hoàn thiện quy
trình chế biến chè an toàn.
đ) Nhân lực
- Cán bộ kỹ thuật: Nhà sản xuất
phải có cán bộ kỹ thuật để xây dựng quy trình sản xuất, sơ chế; chỉ đạo thực hiện
quy trình, hướng dẫn ghi chép, giám sát, lấy mẫu; lập báo cáo đánh giá, giám
sát. Họ là nhân viên hoặc hợp đồng (dài hạn hoặc theo thời vụ) của nhà sản xuất
hoặc cán bộ khuyến nông cơ sở, cán bộ BVTV cơ sở hoặc được tăng cường từ trên
xuống.
- Cục Trồng trọt phối hợp với Cục
Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm
Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tổ chức tập huấn cho các cán bộ cấp tỉnh, thành
phố, tổ chức chứng nhận theo hình thức đào tạo giảng viên (ToT) để họ tiếp tục
tập huấn cho cán bộ cơ sở, nhà sản xuất và nông dân.
- Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức
tập huấn cho các đối tượng trên địa bàn để hiểu nội dung cơ bản các văn bản quy
phạm pháp luật; quy trình sản xuất, sơ chế an toàn theo VietGAP; cách ghi chép
trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế và bán sản phẩm...
5. Giấy chứng
nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn
5.1. Theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT
thì Đoàn thẩm định có từ 3-5 người, trong đó ít nhất 2/3 là cán bộ chuyên môn
do Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập hoặc đơn vị trực thuộc được Sở ủy quyền
thành lập.
5.2. Trường hợp nhà sản xuất
chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn nhưng đã
ký hợp đồng với Tổ chức chứng nhận để cấp Giấy chứng nhận VietGAP thì không phải
gửi thêm hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an
toàn cho Sở Nông nghiệp và PTNT. Vì trong quá trình đánh giá Tổ chức chứng nhận
sẽ yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng các điều kiện sản xuất, sơ chế như quy định
của Quyết định số 84/2008/QĐ-BNN.
5.3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện
sản xuất, sơ chế an toàn chỉ cho thấy nhà sản xuất đó có đủ các yếu tố tiền đề
cho sản xuất/sơ chế an toàn hay đáp ứng được một số chỉ tiêu ban đầu của
VietGAP. Điều đó không có nghĩa là sản phẩm của họ sẽ an toàn vì trong quá
trình từ gieo trồng đến thu hoạch, sơ chế có nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho
sản phẩm, nếu họ không tuân thủ các nguyên tắc của VietGAP.
6. Đánh giá,
giám sát, chứng nhận quá trình sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP
6.1. Trước khi áp dụng VietGAP,
nhà sản xuất, sơ chế cần tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng
quy chế nội bộ, có kế hoạch và các biện pháp cụ thể để kiểm tra giám sát lẫn
nhau giữa những người lao động, giữa các hộ sản xuất nhằm đảm bảo các thành
viên đều tuân thủ VietGAP và sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VSATTP.
6.2. Sau một thời gian áp dụng
VietGAP (có thể sau một vụ rau, một lứa chè hoặc một vụ thu hoạch quả) nhà sản
xuất đáp ứng các điều kiện tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Quyết định
số 99/2008/QĐ-BNN có thể tiến hành tự đánh giá và lập báo cáo tự đánh giá để
khẳng định quá trình sản xuất, sơ chế của mình là phù hợp với VietGAP.
Trường hợp nhà sản xuất không đủ
điều kiện như nói trên hoặc cần sự đánh giá độc lập để khẳng định uy tín của
mình hoặc theo yêu cầu của bên mua sản phẩm... thì thuê tổ chức chứng nhận để
đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP theo Quy chế
chứng nhận VietGAP ban hành theo Quyết định số 84/2008/QĐ-BNN.
6.3. Sau khi được cấp Giấy chứng
nhận VietGAP và công bố sản phẩm rau, quả, chè an toàn, nhà sản xuất cần thường
xuyên duy trì kiểm tra, giám sát nội bộ để đảm bảo quá trình sản xuất, sơ chế
luôn phù hợp với VietGAP và lập báo cáo giám sát hàng năm; đồng thời tổ chức chứng
nhận cần thực hiện sự giám sát định kỳ hoặc đột xuất để khẳng định sự phù hợp
hoặc kịp thời yêu cầu nhà sản xuất khắc phục những điểm không phù hợp so với
VietGAP.
7. Nhà sản
xuất an toàn và công bố sản phẩm rau, quả, chè an toàn (Khoản 3, Điều 2; Điều 7)
7.1. Nhà sản xuất khi có Giấy chứng
nhận VietGAP do tổ chức chứng nhận cấp hoặc có báo cáo tự đánh giá cho thấy sản
xuất, sơ chế phù hợp VietGAP thì tiến hành công bố điều đó tại Sở Nông nghiệp
và PTNT hoặc đơn vị trực thuộc được Sở ủy quyền.
Việc công bố là căn cứ để cơ quản
quản lý nhà nước biết để kiểm tra, giám sát, thông tin trên phương tiện thông
tin đại chúng và qua đó nhà sản xuất khẳng định chất lượng sản phẩm trước người
tiêu dùng, giúp họ phân biệt với nhà sản xuất khác không công bố. Việc công bố
thể hiện sự công khai minh bạch thông tin và chịu trách nhiệm của nhà sản xuất
đối với người tiêu dùng.
7.2. Hồ sơ công bố lập theo quy
định tại Khoản 1 Điều 7 Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN và có
thể gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện cho Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc đơn vị trực
thuộc được Sở ủy quyền.
8. Ghi chép
trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến
8.1. Biểu mẫu ghi chép: Trên cơ
sở các biểu mẫu hướng dẫn trong VietGAP, Sổ tay hướng dẫn VietGAP, nhà sản xuất
có thể xây dựng các biểu mẫu ghi chép phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở
mình, theo hướng đơn giản, cụ thể và ưu tiên những chỉ tiêu quan trọng nhất
liên quan đến thuốc BVTV, phân bón ...
8.2. Cách thức ghi chép
- Mô hình sản xuất tập trung
(doanh nghiệp, trang trại...) thì hồ sơ về điều kiện sản xuất, sơ chế và ghi
chép quá trình sản xuất, sơ chế, kinh doanh có thể giao cho cán bộ kỹ thuật hoặc
người phụ trách thực hiện.
- Mô hình sản xuất nhiều hộ tham
gia thì hồ sơ về điều kiện sản xuất, sơ chế và ghi chép những khâu chỉ đạo sản
xuất tập trung nên giao cho cán bộ kỹ thuật, người phụ trách nhóm thực hiện;
các hộ sản xuất chỉ ghi chép những thông tin liên quan đến hộ, như sử dụng thuốc
BVTV (loại, liều dùng, ngày phun); phân bón (loại, lượng, ngày bón); ngày thu
hoạch, khối lượng sản phẩm; địa chỉ bán hàng...
9. Kinh
doanh rau, quả, chè an toàn (Điều 8)
9.1. Điều 8 quy định về kinh
doanh rau, quả, chè an toàn nhằm tạo sự gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ rau,
quả, chè an toàn; tạo thuận lợi cho sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với
ngành y tế và công thương trong kiểm tra, thanh tra rau, quả, chè an toàn trên
thị trường và trong quá trình tiêu dùng.
9.2. Nguyên tắc chung là phải có
người chịu trách nhiệm với người tiêu dùng; người mua hàng phải biết về người
bán hàng và người sản xuất ra sản phẩm mà họ đã mua. Việc ghi các thông tin tối
thiểu trên bao bì và các giấy tờ xuất nhập sản phẩm giúp có thể truy nguyên được
nguồn gốc sản phẩm, tìm được người chịu trách nhiệm khi chất lượng sản phẩm
không an toàn.
9.3. Các thông tin về nhà sản xuất,
sơ chế an toàn (có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế; giấy chứng nhận
VietGAP; công bố sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP; không vi phạm
trong các đợt kiểm tra, giám sát...), cũng như thông tin về nhà sản xuất vi phạm
sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước công khai trên các phương tiện thông tin đại
chúng để người tiêu dùng biết và lựa chọn.
10. Người lấy
mẫu, phòng kiểm nghiệm đất, nước và rau, quả, chè; tổ chức chứng nhận VietGAP
10.1. Theo Quyết định số
106/2008/QĐ-BNN ngày 29/10/2008 và Quyết định số 84/2008/QĐ-BNN ngày 28/7/2008
của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì Cục Trồng trọt chủ trì tổ chức đào tạo tập huấn,
thẩm định hồ sơ đăng ký và chỉ định người lấy mẫu, phòng kiểm nghiệm đất, nước
và rau, quả, chè; tổ chức chứng nhận VietGAP trên cả nước. Hệ thống này được
xây dựng theo hướng xã hội hóa và được giám sát thường xuyên để cung cấp dịch vụ
cho người sản xuất, kinh doanh.
10.2. Sở Nông nghiệp và PTNT xem
xét chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP hoạt động trên địa bàn, tuy nhiên các
đơn vị đó phải có cán bộ được đào tạo về đánh giá, chứng nhận VietGAP do Cục Trồng
trọt tổ chức và chịu sự giám sát của Cục Trồng trọt (ngoài giám sát của Sở Nông
nghiệp và PTNT).
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn
thì tổ chức chứng nhận VietGAP là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp. Do đó, một
số Chi cục BVTV được Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ định theo Quyết định số
106/2007/QĐ-BNN chỉ được hoạt động đến hết năm 2009 (Điều 26 Quyết định số
106/2008/QĐ-BNN).
Các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn
quốc tế (GlobalGAP/ EurepGAP, AseanGAP) hoạt động tại Việt Nam chịu sự kiểm
tra, giám sát theo quy định của pháp luật Viêt Nam.
10.3. Danh sách người lấy mẫu,
phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận VietGAP được công khai trên các phương tiện
thông tin đại chúng để nhà sản xuất, các địa phương biết và lựa chọn.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc đề nghị các Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị có liên quan báo cáo về
Cục Trồng trọt để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng (b/c);
- Các Sở NN&PTNT;
- Các Cục: QLCL, BVTV, Chế biến ( để p/h);
- Các tổ chức chứng nhận VietGAP, phòng kiểm nghiệm được chỉ định;
- Lưu: VT, CLT. 90b
|
KT.CỤC
TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Phạm Đồng Quảng
|