Hướng dẫn 27/HD-VKSTC-V5 năm 2014 về lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 27/HD-VKSTC-V5
Ngày ban hành 22/05/2014
Ngày có hiệu lực 22/05/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Trần Đình Khánh
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/HD-VKSTC-V5

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

LẬP HỒ SƠ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ, VIỆC DÂN SỰ

Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây gọi tắt là BLTTDS); Quy chế về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, Vụ 5 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (gọi tắt là vụ, việc dân sự) để thực hiện thống nhất trong ngành Kiểm sát như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LẬP HỒ SƠ

1. Mục đích:

- Phục vụ công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của Viện kiểm sát các cấp theo quy định của BLTTDS. Tạo sự thống nhất trong nhận thức và tác nghiệp của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên (sau đây gọi tắt là cán bộ, Kiểm sát viên) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết đối với vụ, việc dân sự cụ thể được phân công.

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, trích ghi tài liệu trong hồ sơ vụ, việc dân sự, giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên nắm chắc các thủ tục tố tụng Tòa án đã áp dụng và các chứng cứ, nội dung vụ, việc dân sự. Qua đó cán bộ, Kiểm sát viên, Lãnh đạo đơn vị có căn cứ để thể hiện rõ quan điểm trong kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự trước, trong và sau khi tham gia phiên tòa, phiên họp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự.

- Phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra của Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới; phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, đánh giá chất lượng công việc của Lãnh đạo đơn vị đối với cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ lưu trữ hồ sơ theo quy định; phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm trong kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự khi cần thiết.

2. Yêu cầu:

- Hồ sơ kiểm sát phải phản ánh tính khách quan, trung thực các tài liệu có trong hồ sơ do Tòa án lập; phản ánh các tác nghiệp của cán bộ, Kiểm sát viên, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị từ khi kiểm sát thụ lý đến khi kết thúc kiểm sát giải quyết.

- Hồ sơ cấp nào kiểm sát giải quyết, cấp đó có trách nhiệm lập. Hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án dân sự; hồ sơ kiểm sát giải quyết việc dân sự có yêu cầu về nội dung khác nhau, nhưng đều phải đảm bảo hình thức, bố cục và nội dung như sau:

Về hình thức: Bìa hồ sơ và các thông tin ghi tại trang 1, trang 2, trang 3 bìa hồ sơ theo mẫu hướng dẫn chung của ngành. Tài liệu khi kết thúc chuyển lưu trữ được đánh số, đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát ở góc phải phía trên cùng của từng trang, theo thứ tự từ trang số 01 của tập 01 đến trang cuối cùng của tập cuối cùng. Người lập hồ sơ ghi ngày, tháng, năm kết thúc, có chữ ký, ghi rõ họ và tên.

Về bố cục: Các tài liệu có trong hồ sơ được phân thành từng tập và được sắp xếp theo trình tự thời gian:

Về nội dung: Phản ánh trung thực tài liệu trong hồ sơ do Tòa án lập, do đương sự cung cấp và các tác nghiệp của Kiểm sát viên; phản ánh việc tuân theo pháp luật tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; các chứng cứ thể hiện nội dung vụ, việc dân sự; các tài liệu chứng cứ chứng minh quan điểm của các bên đương sự; các yêu cầu của người yêu cầu...thông qua việc trích cứu hoặc sao chụp tài liệu. Trường hợp cần thiết cán bộ, Kiểm sát viên có thể minh họa bằng biểu đồ, sơ đồ về mối quan hệ giữa các đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; đối tượng tranh chấp và giải quyết tranh chấp để dễ nhận biết, so sánh.

Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ phải viện dẫn rõ căn cứ pháp luật (nếu áp dụng quy định trong Bộ luật, Luật thì chỉ cần nêu rõ điều, khoản; còn áp dụng quy định trong văn bản hướng dẫn pháp luật như Thông tư, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán...thì phải trích nguyên văn điều, khoản của văn bản pháp luật đó).

II. HỒ SƠ KIỂM SÁT Ở CÁC GIAI ĐOẠN TỐ TỤNG

1. Hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án dân sự

1.1. Hồ sơ kiểm sát ở cấp sơ thẩm:

a) Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, hồ sơ kiểm sát gồm các tài liệu sau:

Tập 1: Các thủ tục tố tụng của vụ án (được sắp xếp theo trình tự thời gian), bao gồm:

- Thủ tục tố tụng do Tòa án gửi bản chính cho Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật TTDS như: Thông báo về việc thụ lý vụ án (Điều 174 BLTTDS); Quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 195 BLTTDS);

- Các thủ tục tố tụng khác nếu có như: Văn bản trả lại đơn khởi kiện (Điều 168 BLTTDS); Quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 170 BLTTDS); Quyết định chuyển vụ án (Điều 37 BLTTDS); Quyết định tách, nhập vụ án (Điều 38 BLTTDS); Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 123 BLTTDS); Quyết định hoãn phiên tòa (Điều 208 BLTTDS); Thông báo kháng cáo (Điều 249 BLTTDS);

- Các thủ tục tố tụng khác BLTTDS không quy định Tòa án phải gửi cho Viện kiểm sát nhưng thấy cần thiết phải photo như: Quyết định ủy thác thu thập chứng cứ; Quyết định trưng cầu giám định; Quyết định định giá tài sản…;

- Biên bản bàn giao hồ sơ vụ án; Thống kê tài liệu trong hồ sơ vụ án.

- Quyết định phân công Kiểm sát viên.

- Bản án (Điều 241 BLTTDS) hoặc Quyết định công nhân sự thỏa thuận của đương sự (Điều 187 BLTTDS), Quyết định đình chỉ, Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 194 BLTTDS) nếu có.

- Phiếu kiểm sát do cán bộ, Kiểm sát viên lập.

[...]