NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH
XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1955/NHCS-KTNB
|
Hà Nội, ngày
10 tháng 10 năm 2007
|
HƯỚNG DẪN
MỘT
SỐ NỘI DUNG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TIẾP CÔNG DÂN TRONG HỆ THỐNG NGÂN
HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
- Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo số
09/1998/QH10 ngày 02/12/1998; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu
nại, tố cáo (Luật số 26/2004/QH 11 ngày 15/6/2004; Luật số 58/2005/QH 11 ngày
29/11/2005);
- Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP
ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
khiếu nại, tố cáo;
- Căn cứ Nghị định số 04/2005/NĐ-CP
ngày 14/01/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của bộ Luật lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động.
- Căn cứ quy chế tổ chức và hoạt động
của hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH),
ban hành kèm theo Quyết định số 158/QĐ-HĐQT ngày 07/4/2003 của Hội đồng quản trị
(HĐQT) NHCSXH;
- Căn cứ các văn bản hướng dẫn
nghiệp vụ hiện hành của NHCSXH.
Tổng giám đốc NHCSXH hướng dẫn một
số nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống, như sau:
Phần thứ nhất
QUY ĐỊNH CHUNG
I. Phạm vi áp dụng
Văn bản này áp dụng đối với các
đơn vị thuộc NHCSXH gồm: Hội sở chính, Sở giao dịch, chi nhánh NHCSXH các tỉnh,
thành phố, Đại diện văn phòng khu vực Miền Nam, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm
Công nghệ thông tin, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện (sau đây gọi chung là đơn
vị).
II. Các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau
1. “Khiếu nại” là việc
công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy
định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định
hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có
căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi
ích hợp pháp của mình.
2. “Người khiếu nại” là
công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
3. “Người bị khiếu nại” là
cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định
kỷ luật bị khiếu nại.
4. “ Người giải quyết khiếu nại”
là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
5. “Cơ quan, tổ chức có quyền
khiếu nại” bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-
xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ
trang nhân dân.
6. “Giải quyết khiếu nại”
là việc xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết của người giải quyết khiếu
nại.
7. “Quyết định hành chính”
là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm
quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một
số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản hành chính.
8. “Hành vi hành chính” là
hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan
hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
9. “Quyết định kỷ luật” là
quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một
trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch,
cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của
mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
10. “Quyết định giải quyết khiếu
nại có hiệu lực pháp luật” bao gồm: quyết định giải quyết khiếu nại
lần đầu, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai mà trong thời hạn do pháp luật
quy định người khiếu nại không khiếu nại tiếp, không khởi kiện vụ án hành chính
tại Tòa án.
11. “Tố cáo” là việc
công dân theo thủ tục do Luật Khiếu nại, tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ
chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
12. “Người tố cáo” là công
dân thực hiện quyền tố cáo.
13. “ Người bị tố cáo” là
cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo.
14. “Giải quyết tố cáo” là
việc xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc quyết định xử lý của người
giải quyết tố cáo.
15. “Người giải quyết tố cáo” là
cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Phần thứ hai
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TIẾP CÔNG DÂN
A. Giải quyết khiếu nại
I. Khiếu nại và giải quyết khiếu
nại
1. Điều kiện giải quyết đơn thư
khiếu nại:
a. Đối với người khiếu nại:
- Người khiếu nại phải là người có
quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi mà mình
khiếu nại.
- Người khiếu nại phải làm đơn khiếu
nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hiệu, thời hạn
theo quy định.
- Người khiếu nại phải là người
có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, tự mình khiếu nại
hoặc thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền
khiếu nại; trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì
người đại diện phải theo quy định của pháp luật, cụ
thể:
+ Trường hợp
người khiếu nại là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh
khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì cha, mẹ, vợ, chồng,
con, anh, chị, em ruột có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc người giám hộ là
người đại diện để thực hiện việc khiếu nại; khi thực hiện việc khiếu nại, người
đại diện phải có giấy tờ để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền về việc đại diện
hợp pháp của mình;
+ Trường hợp
người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách
quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng,
anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự
đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại. Người được ủy quyền chỉ thực hiện việc khiếu
nại theo đúng nội dung được ủy quyền. Việc ủy quyền phải bằng văn bản có xác nhận
của Uỷ ban Nhân dân cấp xã nơi người ủy quyền cư trú;
+ Cơ quan thực
hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là Thủ trưởng cơ quan đó. Thủ trưởng
cơ quan có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực
hiện quyền khiếu nại;
+ Tổ chức thực
hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu tổ chức đó được
quy định trong quyết định thành lập tổ chức hoặc trong Điều lệ của tổ chức. Người
đứng đầu tổ chức có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật
để thực hiện quyền khiếu nại.
b. Đối với vụ việc khiếu nại:
- Việc khiếu nại chưa có quyết định
giải quyết lần 2 theo Luật khiếu nại tố cáo hiện hành hoặc giải quyết tiếp theo
quy định tại Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005.
- Vụ việc khiếu nại còn trong thời
hiệu, thời hạn khiếu nại tiếp.
- Việc khiếu nại chưa được Tòa
án thụ lý để giải quyết.
2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại:
Đối với khiếu nại lần đầu: thẩm
quyền giải quyết thuộc người sử dụng lao động đối với quyết định, hành vi thuộc
quan hệ lao động; các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức của đơn vị
nào thì Thủ trưởng của đơn vị đó có trách nhiệm giải quyết. Trường hợp người
khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền
khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo quy định pháp luật.
3. Phân loại và xử lý đơn thư khiếu
nại:
Khi nhận được đơn thư khiếu nại phải
vào sổ theo dõi nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo theo (mẫu số 02/SN-CĐ) và cần
xem xét, phân loại đơn chính xác, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật,
cụ thể:
- Đối với đơn thư khiếu nại, kiến
nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, đơn vị nhận đơn phải
hướng dẫn người có đơn thư đến nơi có thẩm quyền giải quyết.
- Khiếu nại, giải quyết khiếu nại
về quyết định kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định tại chương III Luật khiếu
nại, tố cáo năm 1998; các luật sửa đổi, bổ sung năm 2004, năm 2005; Nghị định
136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản hiện hành có
liên quan.
- Các khiếu nại có nội dung liên
quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động; các khiếu nại về những quyết định,
hành vi thuộc quan hệ lao động khi giải quyết căn cứ theo Bộ luật Lao động và
Nghị định 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động.
- Các khiếu nại có nội dung liên
quan đến các tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng nhận tiền gửi, hợp đồng cam
kết về bảo lãnh, hợp đồng thế chấp tài sản khi vay vốn…đơn vị phải căn cứ các
quy định pháp luật có liên quan như: luật dân sự, luật lao động, luật doanh
nghiệp và các văn bản hướng dẫn cơ chế, quy định nghiệp vụ của ngành để xem
xét, giải quyết…
- Đơn vị nhận được đơn thư khiếu
nại do các cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển đến, nếu thuộc thẩm quyền thì thụ
lý giải quyết và thông báo bằng văn bản việc giải quyết cho cơ quan, tổ chức hoặc
cá nhân đã chuyển đơn đến biết; nếu đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải
quyết thì gửi trả lại và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá
nhân đã chuyển đơn đến để biết.
4. Trình tự giải quyết khiếu nại:
4.1. Bước chuẩn bị: nghiên
cứu kỹ nội dung đơn thư khiếu nại, đánh giá tình hình, mức độ phức tạp của nội
dung trong đơn để xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh và biện pháp xử lý để
trình Thủ trưởng đơn vị quyết định về:
- Xác định yêu cầu, nội dung và thời
gian kiểm tra, xác minh;
- Thu thập tài liệu, chứng cứ có
liên quan;
- Ra quyết định thành lập đoàn hoặc
căn cứ tính chất mức độ phức tạp của nội dung đơn thư có thể cử thêm cán bộ ở
các chuyên đề khác tham gia kiểm tra, xác minh;
- Quyền hạn và trách nhiệm của người
được giao kiểm tra, xác minh.
4.2. Bước kiểm tra, xác minh:
- Người giải quyết khiếu nại
(đoàn hoặc cán bộ kiểm tra) tiến hành xem xét, gặp người khiếu nại, người bị
khiếu nại để khai thác thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ cần thiết liên
quan đến nội dung khiếu nại. Những tài liệu đó phải là bản gốc, nếu là bản sao
phải có công chứng hoặc chứng thực của chính quyền địa phương nơi người khiếu
nại cư trú. Khi nhận tài liệu, hồ sơ của người khiếu nại phải viết giấy biên
nhận.
- Khi tiến hành kiểm tra, xác minh
khiếu nại nếu phát hiện hoặc nghi vấn như: giả mạo giấy tờ, khai báo vật tư,
tài sản, tiền,…không đúng sự thật, thiếu cơ sở điều kiện để giải quyết thì phải
kiểm tra xem xét kỹ và có thể trưng cầu giám định.
- Khi làm việc với người khiếu nại,
người bị khiếu nại và những người có liên quan phải lập biên bản ghi rõ ý kiến
của các thành phần tham gia và ký xác nhận để làm cơ sở pháp lý cho việc giải
quyết khiếu nại.
- Quá trình giải quyết khiếu nại lần
đầu người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu
nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung
khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc gặp
gỡ đối thoại phải tiến hành công khai dân chủ.
- Người giải quyết khiếu nại có
trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại,
người có quyền lợi ích liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ,
đối thoại; người được thông báo có trách nhiệm đến đúng thời gian, địa điểm,
thành phần như trong thông báo.
- Khi gặp gỡ, đối thoại, người giải
quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả việc xác minh nội
dung vụ việc khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa
ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.
- Việc gặp gỡ, đối thoại phải được
lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, tóm
tắt kết quả các nội dung đã đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp
những người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản
này được lưu vào hồ sơ khiếu nại.
- Kết quả việc gặp gỡ đối thoại là
một trong các căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại.
- Đối với những vụ việc khiếu nại
có tình tiết phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành hoặc được
quy định trong nhiều văn bản pháp luật thì đưa ra hội nghị tư vấn giữa các
ngành và cơ quan liên quan để tham khảo ý kiến trước khi đưa ra quyết định giải
quyết.
- Trường hợp người khiếu nại không
đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khiếu nại đến
người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo quy định pháp luật.
5. Ra quyết định giải quyết:
5.1. Căn cứ quy định của pháp luật,
kết quả gặp gỡ, đối thoại, kết quả thẩm tra, xác minh…Người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại phải bằng văn bản trong thời
hạn quy định, không được ban hành các loại văn bản khác như: thông báo, biên bản
họp thay cho việc ra quyết định giải quyết khiếu nại, cụ thể:
+ Nội dung quyết định giải quyết
khiếu nại đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Điều 53 Luật
khiếu nại, tố cáo năm 1998.
+ Nội dung quyết định giải quyết
khiếu nại đối với người lao động, tập thể lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 14 (lần đầu) và khoản 1 Điều 18 (lần tiếp theo) Nghị định
số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005.
5.2. Người giải quyết khiếu nại
có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người
bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan và người có thẩm quyền giải
quyết đối với vụ việc khiếu nại đó theo quy định của pháp luật.
6. Thời hạn thụ lý, thời hạn giải
quyết, thời hiệu khiếu nại:
6.1. Thời hạn thụ lý và thời hạn
giải quyết khiếu nại:
+ Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật
cán bộ, công chức theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004.
+ Đối với khiếu nại quyết định,
hành vi thuộc quan hệ lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 14
và Điều 15 Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/ 2005.
6.2. Thời hiệu khiếu nại:
+ Đối với quyết định kỷ luật cán bộ,
công chức theo quy định tại Điều 49 Luật khiếu nại, tố cáo năm
1998.
+ Đối với quyết định, hành vi thuộc
quan hệ lao động theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 04/2005/NĐ-CP
ngày 11/01/ 2005.
7. Hồ sơ giải quyết khiếu nại:
- Hồ sơ giải quyết khiếu nại quyết
định kỷ luật cán bộ, công chức quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005.
- Hồ sơ giải quyết khiếu nại về
lao động theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 04/2005/NĐ-CP
ngày 11/01/2005.
II. Về giải quyết tiếp nhận các
đơn thư kiến nghị, phản ánh và vụ việc báo nêu có liên quan đến hoạt động
NHCSXH
1. Tiếp nhận, xử lý đơn thư kiến
nghị, phản ánh:
Đơn thư có nội dung kiến nghị, phản
ánh liên quan đến hoạt động NHCSXH, như: cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục
cho vay… Khi nhận được đơn thư xử lý như sau:
1.1. Phân loại: khi nhận được
đơn thư, cán bộ theo dõi phải vào sổ theo dõi nhận đơn (mẫu số 02/SN-CĐ), tiến
hành xem xét, phân loại nội dung, giải quyết theo quy định, cụ thể:
- Đối tượng được thụ hưởng vốn tín
dụng chính sách nhưng chưa được vay; mức vay thấp…
- Nội dung đơn thư liên quan đến
hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tổ chức Hội đoàn thể, về: kết nạp
thành viên, bình xét cho vay, thực hiện thu nợ, thu lãi, mức phí hoa hồng được
hưởng…
- Việc xét duyệt cho vay, giải
ngân, trả phí ủy thác, hoa hồng, thủ tục cho vay không đúng quy định.
- Thực hiện các nội dung trong hợp
đồng tín dụng; hợp đồng lao động; hợp đồng nhận tiền gửi; hợp đồng cam kết và bảo
lãnh, thế chấp, cầm cố (nếu có)… không đúng quy định.
- Không xử lý, giải quyết những kiến
nghị, phản ánh không có cơ sở, thiếu căn cứ, nhưng phải thông báo bằng văn bản
cho cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị.
1.2. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý:
- Đúng quy định của pháp luật;
- Đơn giản, thuận tiện;
- Nhanh chóng, kịp thời;
- Công khai, minh bạch;
- Quy trình cụ thể, rõ ràng, thống
nhất.
1.3. Trình tự giải quyết: căn
cứ các quy định pháp luật có liên quan như Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự,
Nghị định Chính phủ, Nghị quyết HĐQT, văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ của
Tổng giám đốc…để giải quyết các đơn thư nêu trên theo trình tự:
- Người giải quyết gặp người có
đơn thư để khai thác thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ cần thiết liên quan
đến nội dung kiến nghị, phản ánh (vụ việc phức tạp phải có tài liệu, chứng cứ
phải là bản gốc, nếu là bản sao phải có công chứng hoặc chứng thực của chính
quyền địa phương nơi người có đơn thư đang cư trú; việc nhận tài liệu, chứng
cứ phải viết giấy biên nhận).
- Trong quá trình làm việc phải lập
biên bản ghi rõ ý kiến của các thành phần tham gia và ký xác nhận để làm cơ sở
pháp lý cho việc giải quyết tiếp (nếu có).
- Khi tiến hành kiểm tra, xác minh
đơn thư nếu phát hiện hoặc nghi vấn như: giả mạo giấy tờ, khai báo vật tư,
tài sản, tiền,…không đúng sự thật, thiếu cơ sở điều kiện để giải quyết thì phải
kiểm tra xem xét kỹ và có thể trưng cầu giám định.
- Người giải quyết có trách nhiệm
thông báo bằng văn bản với người kiến nghị, phản ánh và cơ quan, tổ chức liên
quan được rõ. Người kiến nghị, phản ánh có quyền kiến nghị, phản ánh với cấp
trên trực tiếp nếu người giải quyết không rõ ràng, minh bạch theo quy định.
Trường hợp các đơn thư có nội dung
phản ánh liên quan đến tranh chấp hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, hợp đồng
dân sự thì đơn vị có phát sinh vụ việc phải chứng minh, giải thích đối với người
có đơn thư với tư cách là một chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng về quyền và
nghĩa vụ, trường hợp không đi đến thống nhất thì căn cứ quy định của pháp luật
để giải quyết.
1.4. Việc giải quyết các đơn thư
kiến nghị, phản ánh… lập thành hồ sơ và lưu giữ.
2. Về giải quyết vụ việc báo nêu:
phải lưu bài báo, vào sổ thụ lý thuộc thẩm quyền giải quyết, ghi nội dung, tên
báo, số báo, ngày, tháng, năm phát hành. Tiến hành tổ chức kiểm tra, xác minh nếu
có sai phạm phải khắc phục sửa chữa, đồng thời trả lời cơ quan báo chí và báo
cáo Tổng giám đốc (nguyên tắc và quy trình xử lý như phần 1 về tiếp nhận, xử lý
các phản ánh, kiến nghị có liên quan đến hoạt động NHCSXH).
B. Tố cáo, giải quyết tố cáo
I. Thẩm quyền giải quyết tố
cáo: các đơn vị thuộc hệ thống NHCSXH có thẩm quyền,
trách nhiệm giải quyết đơn thư tố cáo theo Luật khiếu nại, tố cáo.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật
mà người bị tố cáo thuộc quyền quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó có trách
nhiệm giải quyết.
- Tố cáo hành vi vi phạm quy định
về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc đơn vị nào thì Thủ trưởng đơn vị đó có
trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo hành vi vi phạm quy định
về nhiệm vụ, công vụ của người có chức danh do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng
giám đốc, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ
nhiệm thì trách nhiệm giải quyết thuộc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc,
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp nào bổ nhiệm,
cấp đó xử lý).
Những tố cáo về các hành vi vi phạm
liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của hệ thống NHCSXH nhưng cá nhân vi phạm, tổ
chức vi phạm không thuộc quyền quản lý của NHCSXH thì Thủ trưởng đơn vị có
trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết theo thẩm quyền.
II. Thủ tục giải quyết tố cáo
Khi nhận được đơn thư tố cáo phải
vào sổ theo dõi nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo theo (mẫu số 02/SN-CĐ) và cần
xem xét, phân loại đơn chính xác, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật,
cụ thể:
1. Phân loại và xử lý đơn tố cáo:
- Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải
quyết của đơn vị thì chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo
phải thụ lý để giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật khiếu nại,
tố cáo và Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.
- Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền
giải quyết của đơn vị thì chậm nhất trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày
nhận được phải chuyển đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo và các tài liệu, chứng
cứ liên quan (nếu có) cho người có thẩm quyền giải quyết.
- Không xem xét giải quyết những tố
cáo giấu tên, mạo danh, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp
chữ ký hoặc đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại
nhưng không có bằng chứng mới.
- Tố cáo hành vi phạm tội thì đơn
vị tiếp nhận giải quyết tố cáo phải chuyển cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
xử lý theo quy định tại Điều 71 của Luật khiếu nại, tố cáo.
- Nếu người tố cáo tố cáo trực tiếp
(không có đơn) thì người tiếp nhận phải ghi rõ nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ
của người tố cáo; khi cần thiết có thể ghi âm lời tố cáo. Bản ghi nội dung tố
cáo phải cho người tố cáo đọc lại, nghe và ký xác nhận.
* Trường hợp tố cáo về lao động
thì theo quy định tại Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005.
2. Trình tự giải quyết tố cáo:
Trình tự xét, giải quyết đơn thư tố
cáo được thực hiện như trình tự xét, giải quyết đơn khiếu nại. Tuy nhiên, do đặc
điểm riêng của đơn tố cáo cần lưu ý đến các nội dung sau:
- Người có thẩm quyền giải
quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh phải ra quyết định
về việc tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo; nội dung quyết định phải
nêu rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị của người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác
minh; nội dung xác minh; thời gian tiến hành xác minh; quyền hạn và trách nhiệm
của người xác minh sự việc được quy định tại Điều 70 Luật khiếu
nại, tố cáo.
- Trong quá trình giải quyết tố
cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh phải đọc kỹ nội dung đơn, chú ý đến những
bằng chứng không rõ, thiếu chứng cứ để khai thác thêm; gặp người tố cáo, người
bị tố cáo để tiếp nhận thông tin, tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện công tác và
sinh hoạt, nguyên nhân phát sinh sự việc để có kết luận chính xác; tạo điều kiện
để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các bằng chứng để chứng minh tính đúng,
sai của nội dung tố cáo.
- Khi tiếp xúc với người tố cáo,
người bị tố cáo không được hứa hẹn, phải có thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, đảm
bảo công bằng, dân chủ, xem xét làm rõ đúng sai để có cơ sở kết luận cuối cùng.
Việc tiếp nhận tài liệu do người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá
nhân cung cấp phải làm giấy biên nhận, có chữ ký của người tiếp nhận và người
cung cấp.
- Trong quá trình xác minh giải
quyết tố cáo phải được ghi chép thành biên bản và lưu vào hồ sơ giải quyết tố
cáo. Sau khi kết thúc việc xác minh, người được giao nhiệm vụ xác minh phải có
báo cáo kết quả xác minh và kết luận đúng sai về nội dung tố cáo và phải có chứng
cứ để chứng minh cho kết luận của mình.
- Đơn vị, người tiếp nhận và giải
quyết tố cáo phải giữ bí mật cho người tố cáo; không được tiết lộ họ, tên, địa
chỉ, bút tích của người tố cáo và các thông tin khác có hại cho người tố cáo (Điều 72 Luật KNTC).
- Căn cứ kết quả xác minh, kết luận
về nội dung tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo xử lý như sau:
+ Trong trường hợp người bị tố cáo
không vi phạm pháp luật, không vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ thì phải
có kết luận rõ và thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, đơn vị quản lý
người bị tố cáo biết, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử
lý người cố tình tố cáo sai sự thật.
+ Trường hợp người bị tố cáo có vi
phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ phải xử lý kỷ luật, xử
phạt hành chính thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
+Trường hợp hành vi bị tố cáo có dấu
hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát
giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
- Đơn vị giải quyết tố cáo phải gửi
văn bản kết luận, quyết định xử lý tố cáo lên cấp trên trực tiếp để báo cáo,
người bị tố cáo và thông báo cho người tố cáo kết quả giải quyết nếu họ yêu cầu,
trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước (Điều 45 Nghị
định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006).
- Việc giải quyết phải được lập
thành hồ sơ, hồ sơ giải quyết tố cáo theo quy định tại Điều 73 Luật
khiếu nại, tố cáo năm 1998.
- Nếu nhận được thông tin người tố
cáo bị đe dọa, trù dập, trả thù thì đơn vị phải có trách nhiệm phối hợp với các
cơ quan chức năng liên quan làm rõ, có biện pháp bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn
và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật người có hành vi
đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo.
III. Thời hạn giải quyết tố cáo
Thời hạn giải quyết tố cáo không
quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp
thời hạn giải quyết không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
C. Công tác tiếp công dân
1. Tiếp công dân để giải quyết các
vấn đề có liên quan đến hoạt động NHCSXH là trách nhiệm của NHCSXH các cấp. Đơn
vị phải kết hợp việc tiếp công dân với việc xem xét, trả lời, giải quyết kịp thời
các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, cụ thể:
- Đối với những vụ việc thuộc thẩm
quyền mà nội dung vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở giải quyết, chưa đến mức độ
phức tạp, thì khi tiếp công dân, Thủ trưởng đơn vị xem xét, trả lời ngay cho
công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần phải nghiên cứu, xem xét thì nói rõ thời
hạn giải quyết, người cần liên hệ tiếp để giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại, tố cáo
không hiểu biết pháp luật mà khiếu nại chưa đúng, cần giải thích, hướng dẫn cụ
thể để người khiếu nại, tố cáo hiểu đúng.
- Đối với các vụ việc không thuộc
thẩm quyền giải quyết của đơn vị thì hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan có thẩm
quyền giải quyết.
2. Người tiếp công dân phải vào sổ
tiếp dân theo mẫu số 01/STD khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh liên quan đến hoạt động của NHCSXH; yêu cầu công dân đến khiếu nại, tố cáo
xuất trình giấy tờ tuỳ thân, trình bày trung thực sự việc, những yêu cầu cần giải
quyết, cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Chế độ báo cáo
1. Thủ trưởng các đơn vị có trách
nhiệm tổng hợp báo cáo bằng lời và mẫu biểu 04/BCTK, 05/BC-TTQ về công tác này
theo quý, 6 tháng, 9 tháng và năm gửi về Hội sở chính (Phòng Kiểm tra- kiểm
soát nội bộ) theo quy định như sau:
- Báo cáo quý I gửi trước ngày 10
tháng 3;
- Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày
10 tháng 6;
- Báo cáo 9 tháng gửi trước ngày
10 tháng 9;
- Báo cáo năm gửi trước ngày 10
tháng 12 của năm báo cáo;
2. Mẫu biểu về công tác giải quyết
khiếu nại, tố cáo: các đơn vị lập các sổ theo dõi việc tiếp dân và giải quyết
đơn khiếu nại, tố cáo lưu tại đơn vị theo mẫu biểu số 01/STD, 02/SN-CĐ, 03/SGQ-TTQ.
Căn cứ nội dung đơn, tính chất vụ
việc khiếu nại, tố cáo; trong quá trình giải quyết Giám đốc đơn vị ban hành các
văn bản, quyết định, thông báo, phiếu chuyển đơn, công văn trả lời…theo các mẫu
kèm theo văn bản này.
II. Triển khai thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị có trách
nhiệm tổ chức triển khai nội dung văn bản này theo quy định của pháp luật; bố
trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, am hiểu
chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để thực hiện việc giải quyết đơn khiếu
nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật.
2. Văn bản này có hiệu lực kể từ
ngày ký và thay thế văn bản số 962/NHCS-KTNB ngày 31/7/2003 của Tổng giám đốc
Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác
tiếp dân trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nơi nhận:
- Chủ tịch HĐQT (để báo cáo);
- TGĐ và các Phó TGĐ;
- Ban kiểm soát HĐQT;
- Sở GD, chi nhánh tỉnh, thành phố, PGD cấp huyện.
- TTĐT, TTCNTT, VPKVMN, (thực hiện);
- Các phòng nghiệp vụ HSC;
- Lưu: VP, KTNB.
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Hà Thị Hạnh
|