Thông báo số 244/TB-VPCP về việc ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại cuộc họp kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 244/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 05/09/2008 |
Ngày có hiệu lực | 05/09/2008 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 244/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI CUỘC HỌP KIỂM ĐIỂM, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30 tháng 8 năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh phía Nam (từ Bình Thuận trở vào) và các tỉnh Tây Nguyên để kiểm điểm, đánh giá việc tổ chức thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về "tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới" (Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/01/2008). Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Trần Thế Vượng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện; Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Việt Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghe Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Sau hơn nửa năm thực hiện, các Bộ, ngành và địa phương đã làm được nhiều việc, trước hết đã tạo được chuyển biến nhận thức và hành động, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần làm ổn định chính trị - xã hội. Chủ trương, giải pháp của Bộ Chính trị đề ra đã có tác động tích cực và đang đi dần vào cuộc sống, là căn cứ để cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của địa phương. Qua theo dõi, phần lớn các địa phương đã vào cuộc, xây dựng chương trình hành động, tổ chức hội nghị quán triệt, thực hiện các giải pháp cụ thể như: rà soát, phân loại, tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài; thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, so với yêu cầu và kế hoạch đề ra còn nhiều nội dung chưa đạt, một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa triển khai thực hiện quyết liệt nên kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, tình hình khiếu kiện, tố cáo trên địa bàn những nơi đó chưa chuyển biến rõ rệt. Thực tế cho thấy tình hình khiếu nại trên phạm vi cả nước có dịu đi nhưng ở một số địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam vẫn còn phức tạp, tình trạng công dân tập trung đông người khiếu kiện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ để yên dân mà còn để ổn định chính trị - xã hội, xây dựng phát triển kinh tế.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương phải "vào cuộc", phân công, phân nhiệm rõ ràng, tăng cường sự phối hợp, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để giải quyết những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời để cùng nhau tìm biện pháp giải quyết, đảm bảo vừa đúng qui định của pháp luật vừa phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
2. Chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về đất đai nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo; gắn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác xây dựng Đảng và việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những vướng mắc, bất cập về cơ chế, pháp luật sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh sửa đổi bổ sung. Nhưng để giảm thiểu khiếu kiện liên quan đến đất đai đòi hỏi phải làm tốt từ khâu quy hoạch sử dụng đất, triển khai thực hiện dự án công khai, minh bạch, nhất là phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có cơ chế phù hợp để người dân có thể tham gia vào phương án đầu tư có thể góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích kinh doanh thương mại. Không có lý do gì, khi chúng ta phát triển kinh tế, công nghiệp hóa lại làm cho đời sống của người dân khó khăn hơn. Đây là vấn đề khó nhưng "cái khó không bó cái khôn" nhất định chúng ta sẽ tìm ra giải pháp phù hợp, xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất.
3. Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, đông người, phức tạp, kéo dài: từng địa phương phải rà soát cụ thể để tập trung giải quyết dứt điểm. Trong quá trình giải quyết vừa xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý, vừa căn cứ vào tình hình thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, phù hợp với thực tế của địa phương. Trường hợp khiếu nại không có căn cứ pháp lý, mà đời sống của người dân thực sự khó khăn thì chúng ta phải vận dụng chính sách xã hội hoặc có phương án hỗ trợ, giúp đỡ để ổn định cuộc sống.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tế cho thấy ở đâu, địa phương nào trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu được đề cao và làm hết, đầy đủ trách nhiệm thì tình hình khiếu nại, tố cáo và hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến rõ rệt. Vì vậy, không chỉ Thanh tra Chính phủ mà các Bộ, ngành ở địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó phải gắn trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. Công tác phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính nhà nước, nhưng đối với những vụ việc phức tạp đông người cần có sự phối hợp của cả hệ thống chínhh trị. Không phải là sự phối hợp trên văn bản mà là sự phối hợp chặt chẽ trên thực tế giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và các địa phương trong việc giải quyết từng vụ việc cụ thể, nhất là xử lý tình trạng công dân tập trung khiếu kiện đông người ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khi xử lý vụ việc, nhất là những vụ đông người, phức tạp, kéo dài, quan điểm xử lý khác nhau đòi hỏi phải có sự phối hợp, trao đổi, từ đó tìm phương án giải quyết có tính khả thi. Vấn đề là giải quyết dứt điểm để yên dân chứ không phải là đã giải quyết "hết thẩm quyền". Những vụ việc khiếu kiện kéo dài, một trong những nguyên nhân là do người dân "bám vào" ý kiến khác nhau của các cơ quan để tiếp tục khiếu kiện. Vì vậy, khi có ý kiến khác nhau phải cùng nhau trao đổi, không phải là xác định cơ quan nào đúng, sai mà là cùng nhau trao đổi thấu đáo với trách nhiệm cao để tìm ra phương án giải quyết có lý có tình nhất.
6. Từng bước nghiên cứu hoàn thiện, đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính; Thanh tra Chính phủ phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, tham mưu kịp thời giúp Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu sửa đổi những quy định còn bất cập, chồng chéo, không khả thi. Trước mắt khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện Đề án xây dựng cơ chế tài phán giải quyết những khiếu nại liên quan đến đất đai..
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi
nhận: |
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |