Hiệp định số 47/2004/LPQT về tương trợ tư pháp và pháp lý trong các vấn đề dân sự và hình sự do Bộ ngoại giao ban hành giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên

Số hiệu 47/2004/LPQT
Ngày ban hành 20/05/2004
Ngày có hiệu lực 24/02/2004
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ NGOẠI GIAO

*******

Số: 47/2004/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2004

 

Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên về tương trợ tư pháp và pháp lý trong các vấn đề dân sự và hình sự có hiệu lực từ ngày 24 tháng 02 năm 2004./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ PHÁP LÝ TRONG CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ VÀ HÌNH SỰ

 

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (sau đây gọi là “các Bên ký kết”).

Với mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự,

Đã thỏa thuận những điều sau:

Chương 1

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Bảo hộ pháp lý

1. Công dân của Bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sự bảo hộ pháp lý về các quyền nhân thân và tài sản mà Bên ký kết kia dành cho công dân của nước mình.

2. Các quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với các pháp nhân được thành lập theo pháp luật của một Bên ký kết và có trụ sở trên lãnh thổ của Bên ký kết này.

3. Trong Hiệp định này, khái niệm “Các vấn đề dân sự” được hiểu bao gồm cả các vấn đề thương mại, gia đình và lao động.

Điều 2. Tương trợ tư pháp

1. Công dân và pháp nhân của Bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sự trợ giúp pháp lý theo cùng những điều kiện áp dụng cho công dân và pháp nhân của Bên ký kết kia.

2. Các Bên ký kết tiến hành tương trợ tư pháp đối với các lĩnh vực liên quan thông qua các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề dân sự và hình sự, bao gồm các tòa án và cơ quan kiểm sát.

Điều 3. Phạm vi tương trợ tư pháp

Theo yêu cầu pháp luật của các Bên ký kết, tương trợ tư pháp theo quy định của Hiệp định này bao gồm:

1. Thực hiện các hành vi tố tụng bao gồm lấy lời khai của đương sự, bị cáo, người làm chứng, người giám định và người bị hại,

2. Cung cấp thông tin và tài liệu về các vụ việc,

3. Thi hành yêu cầu truy tìm, bắt giữ và cung cấp chứng cứ,

4. Công nhận và thi hành quyết định, bản án của Tòa án về các vấn đề dân sự, các phán quyết và quyết định của Trọng tài,

5. Điều tra, bắt giữ người phạm tội và chuyển giao.

Điều 4. Thủ tục liên hệ để thực hiện tương trợ tư pháp

1. Khi có yêu cầu tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự, Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền khác của các Bên ký kết liên hệ với nhau thông qua Cơ quan Trung ương của nước mình.

[...]