Hiệp định về hợp tác song phương nhằm loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan

Số hiệu 19/2009/SL-LPQT
Ngày ban hành 24/03/2008
Ngày có hiệu lực 22/01/2009
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ Vương quốc Thái Lan
Người ký Lê Thế Tiệm,Sutha Chansaeng
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ NGOẠI GIAO
---------

 

Số: 19/2009/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2009

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác song phương nhằm loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán, ký tại Hà Nội ngày 24 tháng 3 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 22 tháng 01 năm 2009./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG  




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN VỀ HỢP TÁC SONG PHƯƠNG NHẰM LOẠI TRỪ NẠN BUÔN BÁN NGƯỜI, ĐẶC BIỆT LÀ PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM VÀ GIÚP ĐỠ NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan (dưới  đây được gọi là “hai Bên”);

Nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác song phương để trấn áp nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em;

Nhận thức rằng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em là sự vi phạm thô bạo nhân quyền và chà đạp trắng trợn phẩm giá con người;

Lo ngại sâu sắc rằng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, tình cảm, đạo đức của con người và làm phương hại đến nền tảng và các giá trị của xã hội;

Lưu ý rằng các băng nhóm và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang tích cực tham gia vào việc buôn bán phụ nữ và trẻ em và loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và Thái Lan mà còn ảnh hướng đến toàn khu vực và cộng đồng thế giới;

Khẳng định rằng hai Bên cùng quan tâm đấu tranh chống nạn buôn bán người có tính chất xuyên quốc gia như đã trình bày trong Tuyên bố Bangkok về Di cư bất hợp pháp đã được thảo luận tại Hội nghị chuyên đề quốc tế về di cư “Tiến tới hợp tác khu vực chống di cư bất hợp pháp/di cư lén lút” được tổ chức từ ngày 21 – 23/4/1999 tại Bangkok và “Hội nghị Bali về chống buôn người và vận chuyển người bất hợp pháp” tổ chức tại Bali từ ngày 26 – 28/02/2002; Bản Ghi nhớ về Hợp tác chống buôn bán người Khu vực tiểu vùng sông Mêkông ký tại Yangoon, Myanmar ngày 29/02/2004 và các hoạt động liên quan tiếp theo;

Tin tưởng rằng việc trấn áp tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em thông qua hợp tác song phương trong thực thi pháp luật và tố tụng hình sự là biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo công lý chống nạn buôn người; và

Cam kết rằng hai Bên sẽ hợp tác thật sự để loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và để bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán;

Đã thỏa thuận như sau:

I. PHẠM VI CỦA HIỆP ĐỊNH

Điều 1. Hiệp định này được áp dụng đối với nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em như định nghĩa tại điều 2 của Hiệp định này.

II. ĐỊNH NGHĨA

Điều 2. Đối với hiệp định này:

1. “Buôn bán phụ nữ và trẻ em” nghĩa là việc tuyển chọn, vận chuyển, chuyển nhượng, che giấu hoặc tiếp nhận phụ nữ và trẻ em bằng biện pháp đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc sử dụng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc điểm yếu của người bị hại hoặc đưa và nhận tiền hoặc lợi ích khác để đạt được sự đồng ý của người đang quản lý một người vì mục đích bóc lột. Hành động bóc lột bao gồm: bóc lột phụ nữ và trẻ em thông qua hoạt động mại dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc phục vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc làm việc như nô lệ hoặc lấy các bộ phận trên cơ thể của một người nào đó.

2. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán nhằm mục đích bóc lột có chủ ý được thực hiện bất cứ biện pháp nào nêu tại khoản (1) của Điều này đều là nạn nhân dù họ đồng ý hay không đồng ý.

3. Trẻ em bị tuyển chọn, vận chuyển, chuyển nhượng, che giấu nhằm mục đích bóc lột được coi là “nạn nhân bị buôn bán” cho dù việc đó không liên quan tới bất cứ biện pháp nào nêu tại khoản (1) của điều này.

4. “Trẻ em” là những người dưới 18 tuổi.

Điều 3. Hai Bên thừa nhận rằng mục đích buôn bán phụ nữ và trẻ em bao gồm:

1. Mại dâm và các hình thức bóc lột tình dục khác;

2. Làm việc nhà có tính cưỡng bức hoặc bóc lột;

3. Lao động trong cảnh bị giam cầm và các loại hình lao động có tính rủi ro, nguy hiểm hoặc bóc lột khác;

4. Hôn nhân nô lệ hoặc hôn nhân trái ý muốn của nạn nhân;

[...]