Công văn 9975/BTC-HCSN năm 2022 thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 9975/BTC-HCSN |
Ngày ban hành | 30/09/2022 |
Ngày có hiệu lực | 30/09/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Võ Thành Hưng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9975/BTC-HCSN |
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ; |
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022 (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết số 116/NQ-CP) Bộ Tai chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP và một số nội dung như sau:
1. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ:
Ban hành quyết định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2022.
Căn cứ phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt kéo dài đến hết năm 2022 và dự toán kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã được phân bổ trong năm 2022, đơn vị dự toán cấp I lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan tài chính cung cấp đối với nội dung điều chỉnh dự toán kinh phí chi thường xuyên không giao tự chủ sang kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 122/2021/TT-BTC [1] trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định điều chỉnh dự toán.
Từ năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ:
Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện xây dựng phương án tự chủ tài chính gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 56/2022/TT-BTC.
3. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền giao tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt và rà soát lại phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Thông tư số 56/2022/TT-BTC. Trường hợp đơn vị có thay đổi về mức độ tự chủ tài chính, đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Thông tư này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số 56/2022/TT-BTC).
Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
[1] Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương điều chỉnh dự toán từ kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ sang kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, kinh phi chí thường xuyên không giao tự chủ sang kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ, kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ, kinh phí chi thường xuyên không giao tự chủ sang kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và ngược lại, kinh phí chi bằng nội tệ sang chi bằng ngoại tệ điều chỉnh tăng hoặc giảm dự toán của nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán kinh phí được giao nhưng đã được ghi chú kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi trong quyết định giao dự toán đầu năm hoặc quyết định giao dự toán bổ sung trong năm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp để đảm bảo việc phân bổ kinh phí thực hiện được các nhiệm vụ được giao trước khi ban hành quyết định điều chỉnh dự toán. Thời hạn đơn vị gửi cơ quan tài chính đề nghị điều chỉnh dự toán chậm nhất trước ngày 30 tháng 10 năm hiện hành.