Công văn 70/VKSTC-V14 năm 2018 về giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và nghiệp vụ kiểm sát các vụ việc dân sự trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 70/VKSTC-V14
Ngày ban hành 05/01/2018
Ngày có hiệu lực 05/01/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thị Quỳnh Chi
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/VKSTC-V14
V/v giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng quy định của BLTTDS năm 2015 và nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các VVDS trong ngành KSND

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2018

 

Kính gửi:

- Văn phòng, Vụ 9, Vụ 10, T1, T3 VKSNDTC;
- Viện trưởng các VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- Viện trưởng VKSND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp đã tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của BLTTDS qua thực tiễn công tác, đề nghị VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp. Để thống nhất nhận thức đối với các quy định của BLTTDS 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp một số vấn đề vướng mắc cơ bản, được nhiều VKS cấp dưới quan tâm, cụ thể như sau:

1. Điều 21 BLTTDS 2015 quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án có đương sự là “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi...”. Vậy người thế nào được coi là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi? Thủ tục nào để xác định họ thuộc trường hợp nêu trên? Trường hợp chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Viện kiểm sát có tham gia phiên tòa không?

Trả lời:

(1). Khoản 1 Điều 23 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự”. Theo quy định trên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại một thời điểm nhất định do tình trạng thể chất hoặc tinh thần của họ nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 22 BLDS.

Ví dụ: Một người do tai nạn mà bị tổn thương thần kinh, dẫn đến ảnh hưởng khả năng nhận thức, làm chủ hành vi trong khoảng thời gian chữa bệnh, sau đó người này hồi phục; hoặc không thể hồi phục hoàn toàn nên có lúc nhận thức, làm chủ được hành vi, có lúc không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

(2). Để xác định một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, khoản 1 Điều 23 BLDS 2015 quy định: theo yêu cầu của chính người đó, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Thủ tục Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Chương XXIV BLTTDS 2015 (từ Điều 376 đến Điều 380).

(3). Một người chỉ bị coi là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi đã có quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do vậy, trường hợp chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì không thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm.

2. Đề nghị hướng dẫn quy định “Các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác” tại khoản 14 Điều 26, khoản 10 Điều 27, khoản 8 Điều 28, khoản 11 Điều 29, khoản 5 Điều 30, khoản 6 Điều 31, khoản 5 Điều 32, khoản 5 Điều 33 BLTTDS 2015?

Trả lời:

Trên tinh thần nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” tại khoản 2 Điều 4, Mục 1 Chương III BLTTDS (từ Điều 26 đến Điều 33) đã xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, yêu cầu về dân sự (theo nghĩa rộng), trừ các tranh chấp, yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Để hiểu về quy định này, có thể tham khảo nội dung hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án, cụ thể như sau: “Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là trường hợp mà theo quy định của pháp luật thì các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết.

Ví dụ 1: Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai mà đối với thửa đất đó cơ quan, tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 có quyền lựa chọn Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 để giải quyết tranh chấp. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền và cơ quan đó đang giải quyết tranh chấp thì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.

Ví dụ 2: Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại mà các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Nếu một bên chưa khởi kiện hoặc đã khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Trọng tài đang giải quyết thì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010).

3. Khoản 7 Điều 27 BLTTDS 2015 quy định “Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án” là yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Đề nghị làm rõ nội dung “hòa giải thành ngoài Tòa án” trong quy định trên.

Trả lời:

Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là yêu cầu về dân sự mới được bổ sung quy định trong BLTTDS 2015. BLTTDS cũng bổ sung một chương mới quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (Chương XXXIII, từ Điều 416 đến Điều 419). Điều 416 nêu rõ: “Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”, Việc hòa giải “ngoài Tòa án” hiện nay có thể được thực hiện theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Bộ luật Lao động 2012, Luật Hòa giải ở cơ sở 2013, Luật Đất đai 2013, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại...và các văn bản quy phạm pháp luật khác về hòa giải.

4. Quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với vụ án dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 quy định: “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Do đó, trong vụ việc dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện (ví dụ: yêu cầu hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), việc xác định thẩm quyền của Tòa án phải căn cứ vào khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính (Luật TTHC) 2015, theo đó, Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định của BLTTDS 2015 và Luật TTHC 2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án trong vụ việc này cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể sau đây:

(1) Kể từ ngày 01/7/2016, trường hợp trong đơn khởi kiện vụ án dân sự, người khởi kiện nêu rõ yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện và gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp huyện thì Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện quyết định chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án cấp tỉnh và thông báo cho người khởi kiện theo điểm c khoản 3 Điều 191 BLTTDS.

(2) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện chưa có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND, Chủ tịch UBND huyện nhưng sau khi Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết, họ mới có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì cần lưu ý 02 trường hợp:

- Tòa án cấp huyện thụ lý vụ án dân sự sau ngày 01/7/2016 thì căn cứ khoản 1 Điều 41 và khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015, Tòa án cấp huyện ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết.

- Tòa án cấp huyện thụ lý vụ án dân sự trước ngày 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015, Tòa án cấp huyện chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết. Trường hợp này không áp dụng khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC 2015 để Tòa án cấp huyện tiếp tục giải quyết như nội dung giải đáp tại Mục 2 Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TAND tối cao, vì khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104 quy định về trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án hành chính (không phải vụ án dân sự).

Trường hợp phát hiện có vi phạm về thẩm quyền giải quyết của cấp Tòa án đối với loại vụ án này, Kiểm sát viên cần báo cáo để Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định việc kháng nghị.

5. Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà thuộc trường hợp nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết thì xử lý thế nào? Ví dụ: Đối với tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì Tòa án nơi bị đơn có trụ sở (Tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ) hay Tòa án nơi thực hiện hợp đồng (Tòa án có thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn) có thẩm quyền giải quyết?

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ