Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01/2017/GĐ-TANDTC
Ngày ban hành 07/04/2017
Ngày có hiệu lực 07/04/2017
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2017/GĐ-TANDTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2017

 

GIẢI ĐÁP

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIỆP VỤ

Kính gửi:

- Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

 

Trong thời gian chuẩn bị và tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2017 (từ ngày 12 đến ngày 14-01-2017) các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề vướng mắc về nghiệp vụ. Sau đây là giải đáp của Tòa án nhân dân ti cao:

I. VỀ HÌNH SỰ

1. Trường hợp 01 người bị kết án về tội đánh bạc với số tiền là 4.500.000 đồng. Sau đó, tuy chưa được xóa án tích nhưng người này lại tiếp tục đánh bạc với số tiền 262.000 đồng nên bị kết án 04 tháng tù về tội đánh bạc (cả hai lần bị kết án đều trước ngày 09-12-2015). Nếu người này chưa chấp hành hình phạt thì có được miễn chấp hành hình phạt hay không?

Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: người có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự. Như vậy, cấu thành tội phạm của tội đánh bạc trong trường hợp này theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 không thay đổi so với Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999. Thời điểm bị xét xử lần hai về tội đánh bạc (trước ngày 09-12-2015), người phạm tội bị xác định là có tiền án về tội đánh bạc là đúng. Do đó, trong trường hợp này họ không được miễn chấp hành hình phạt.

2. Người bị kết án thuộc trường hợp được miễn chấp hành hình phạt nhưng sau ngày 01-8-2016 (ngày Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực thi hành) họ đã chấp hành xong hình phạt chính nhưng chưa chấp hành hoặc đã chấp hành được một phần hình phạt bổ sung là phạt tiền thì có được ra quyết định miễn chấp hành riêng về phần hình phạt bổ sung là phạt tiền hay không?

Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì khi xem xét, quyết định việc miễn chấp hành hình phạt cần chú ý một số nội dung sau:

“a) Chỉ miễn chấp hành hình phạt (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này; đối với các vấn đề khác, như: trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí hình sự; án phí dân sự... thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành”,

Như vậy, nếu trường hợp chưa chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Nếu đã chấp hành xong hình phạt chính nhưng chưa chấp hành hình phạt bổ sung thì Tòa án ra quyết định miễn chấp hành hình phạt bổ sung. Lưu ý là các nghĩa vụ khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí hình sự, án phí dân sự... thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành.

3. Đối với tội “Buôn lậu”, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định số lượng vật phạm pháp làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 lại quy định giá trị bằng tiền. Vậy, đối với vụ án Viện kiểm sát đã truy tố theo điểm đ khoản 2 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 và chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết (trước thời điểm có Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo Bộ luật hình sự năm 2015) thì có phải định giá tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự không? Cơ quan nào yêu cầu định giá? Trong trường hợp không định giá được thì đường lối giải quyết vụ án như thế nào?

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2016 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự, các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn’' đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội thì: lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 từ ngày 01-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành; các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 có ghi thời điểm “ngày 01-7-2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành”.

Như vậy, đối với vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố theo điểm đ khoản 2 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 (hàng cấm có số lượng rất lớn) và hồ sơ vụ án đã chuyển cho Tòa án giải quyết trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì không định giá tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự mà phải xác định hàng cấm có số lượng rất lớn theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử.

4. Tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như thế nào?

Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.

Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;

- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.

Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 khi có đủ 02 yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

5. Khi quyết định miễn chấp hành hình phạt chính (không phải là hình phạt tiền), Tòa án có được quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt bổ sung là hình phạt tiền chưa chấp hành hoặc phần hình phạt bổ sung là hình phạt tiền còn lại chưa chấp hành hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật hình sự năm 1999 (khoản 5 Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015) thì: “Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ẩm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại”. Như vậy, mỗi loại hình phạt pháp luật đều có quy định các điều kiện miễn chấp hành hình phạt khác nhau. Do đó, đối với người bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền nhưng chưa chấp hành hoặc chưa chấp hành xong thì Tòa án phải căn cứ vào điều kiện miễn chấp hành hình phạt tiền để quyết định có cho miễn chấp hành hình phạt hay không chứ không căn cứ vào việc miễn chấp hành hình phạt chính.

6. Theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì số tiền của người chơi để, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ) hoặc là tổng số tiền mà họ đã bõ ra để mua số đề, cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ), Tuy nhiên, thực tế các chủ đề thường thu hút con bạc bằng cách trừ tiền hoa hồng cho những người chơi đề khi họ ghi đề. Vì vậy, dẫn đến tình trạng số tiền ghi trên tờ phơi sẽ cao hơn số tiền mà người chơi đề phải bỏ ra để mua số đề; số tiền mà chủ đề nhận được từ người chơi sẽ thấp hơn số tiền ghi trên tờ phơi. Trong trường hợp này, xác định số tiền dùng để đánh bạc là số tiền ghi trên tờ phơi hay là số tiền mà người chơi đề thực tế đã bỏ ra?

Hiện nay, việc xác định số tiền dùng để đánh bạc (đánh đề hoặc cá độ) vẫn được thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm a, b mục 5.1 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, số tiền của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ) hoặc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ). Như vậy, số tiền mà họ đã bỏ ra không chỉ là số tiền thực tế họ đưa cho người ghi đề, ghi cá độ mà phải là số tiền ghi trên tờ phơi hoặc giấy tờ khác chứng minh việc đánh bạc trái phép.

7. Trong vụ án có đồng phạm, sau khi chiếm đoạt được tài sản, các bị cáo đã bán để chia nhau. Trong quá trình điều tra, một bị cáo bồi thường toàn bộ cho người bị hại nhưng không yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả thì Tòa án có tịch thu của các bị cáo khác số tiền đã chiếm đoạt để sung vào ngân sách nhà nước hay không? Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết trách nhiệm liên đới bồi thường đối với các bị cáo khác trong cùng vụ án thì xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 288 Bộ luật dân sự năm 2015) thì những người gây thiệt hại trong vụ án có đồng phạm phải liên đới bồi thường. Một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

[...]
25
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ