Công văn 5412/BNN-TCLN triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 5412/BNN-TCLN |
Ngày ban hành | 17/08/2022 |
Ngày có hiệu lực | 17/08/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Lê Quốc Doanh |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5412/BNN-TCLN |
Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: |
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình 809); Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình MTQG). Trong khi chờ ban hành các cơ chế, chính sách và Thông tư hướng dẫn thực hiện các Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là các Bộ, ngành, địa phương) thực hiện một số nội dung như sau:
I. TRIỂN KHAI CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH
1. Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9401/VPCP-NN ngày 09/11/2020 của Văn phòng Chính phủ về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản; trên cơ sở ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc và đề nghị của các địa phương về triển khai cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng; để góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành,địa phương tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các quy định của pháp luật liên quan cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới, cụ thể:
- Chính sách bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP);
- Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước (Nghị định số 168/2016/NĐ-CP);
- Chính sách phát triển chế biến lâm sản và thị trường lâm sản thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg);
- Chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng thực hiện theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Quyết định này;
- Chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông lâm nghiệp thực hiện theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp (Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg);
- Chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện theo Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Đối với diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp đóng cửa rừng được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để bảo vệ. Mức hỗ trợ áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng "Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp”; hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ tại Tờ trình số 6859/TTr-BNN-TCLN ngày 22/10/2021 và tiếp thu, giải trình ý kiến của các Thành viên Chính phủ tại Báo cáo số 5104/BC-BNN-TCLN ngày 04/8/2022, trình Chính phủ để xem xét, ban hành. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, thực hiện theo các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định mới.
2. Về triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo "Thông tư hướng dẫn bảo vệ và phát triển rừng thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025", xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương (Văn bản số 3866/BNN- TCLN ngày 17/6/2022). Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia, tổ chức thẩm định, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Thông tư trình Bộ trưởng ký ban hành trong tháng 9 năm 2022.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo các định mức, cơ chế, chính sách hiện hành tại mục 1 Phần I văn bản này và các văn bản hướng dẫn, quy định có liên quan khác theo đúng phạm vi của Chương trình và Tiểu dự án 1 Dự án 3 đảm bảo không trùng lặp với các hoạt động, kinh phí đã được bố trí thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chương trình, dự án khác, trong đó:
- Việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 3 theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/03/2022 của Bộ trưởng BộTài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
- Đối với các hoạt động khác như hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng đặc dụng quản lý, hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng; diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất do công ty lâm nghiệp (công ty lâm nghiệp được sắp xếp đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; các hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, theo dõi diễn biến rừng, giám sát, đánh giá, quản lý tài nguyên rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hoạt động, nhiệm vụ đặc thù được thực hiện không phân biệt theo khu vực; thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt; được thực hiện theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
II. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 809
Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Quản lý, điều hành thực hiện Chương trình 809
Trên cơ sở bộ máy quản lý điều hành Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương triển khai kiện toàn bộ máy quản lý điều hành Chương trình, hoàn thành trước 15/9/2022, cụ thể:
a) Đối với các bộ, ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) tham gia Chương trình: Giao đơn vị có chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành Chương trình tại bộ, ngành.
b) Đối với các địa phương
- Kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình trên cơ sở Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban. Thành viên là lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan.
- Kiện toàn Văn phòng thường trực Chương trình đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Chương trình tại địa phương. Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực Chương trình nên là lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Lâm nghiệp, thành viên là các cán bộ Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách. Việc kiện toán văn phòng không làm phát sinh biên chế của cơ quan.