Công văn 5190/BNN-TCLN năm 2022 về biện pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 5190/BNN-TCLN |
Ngày ban hành | 09/08/2022 |
Ngày có hiệu lực | 09/08/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Lê Minh Hoan |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ NÔNG NGHIỆP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5190/BNN-TCLN |
Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN, ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (câu số 38)
Cử tri phản ảnh, nạn phá rừng là một vấn nạn của Việt Nam, trong đó có nguyên nhân từ sự tiếp tay, hỗ trợ của một bộ phận quan chức kiểm lâm với các đối tượng với thủ đoạn tinh vi... vấn đề này đã gây ra những thiệt hại, hậu quả nặng nề về môi trường, biến đổi khí hậu. Do đó, cử tri kiến nghị cần phải tiếp tục có các biện pháp, chủ trương, chính sách để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:
Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; số vụ vi phạm về Lâm nghiệp đã giảm rõ rệt, năm 2017 xảy ra 16.531 vụ vi phạm; năm 2018 xảy ra 12.954 vụ, năm 2019 xảy ra 10.731 vụ vi phạm, năm 2020 xảy ra 10.511 vụ, năm 2021 xảy ra 9.102 vụ giảm 2.134 vụ (giảm 19%) so với cùng kỳ năm 2020, về cơ bản các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Tuy vậy, tình trạng phá rừng trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Nguyên nhân là do tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi; tình trạng phá rừng để lấy đất chuyển sang trồng cây nông nghiệp, công nghiệp, khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý,...
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, triển khai các giải pháp sau:
- Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về lâm nghiệp: thi hành Luật Lâm nghiệp được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, trình Chính phủ ban hành 08 Nghị định; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư. Hiện nay, Bộ đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Về chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, nhất là các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật:
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, lưu thông lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp tại một số địa phương, những hành vi vi phạm cơ bản được kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
+ Chỉ đạo kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương nhất là tại các địa phương có điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
+ Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ, đưa ra truy tố, xét xử các vụ án điển hình để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, có những cán bộ bị thương, hy sinh, không quản gian khổ hiểm nguy để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn những cán bộ chức năng không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật; những hành vi này khi được phát hiện đều được cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không có tình trạng che dấu hoặc tiếp tay cho sai phạm.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, triển khai các giải pháp sau:
(1) Xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất để cụ thể hóa các hành động nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.
(2) Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân giảm diện tích rừng tự nhiên hàng năm theo số liệu công bố hiện trạng rừng và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
(3) Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng điều tra, triệt phá hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật... và chống người thi hành công vụ.
Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng; trân trọng cám ơn cử tri thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.
|
BỘ
TRƯỞNG |