Công văn 5192/BNN-TCLN năm 2022 về chính sách bảo vệ và phát triển rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 5192/BNN-TCLN
Ngày ban hành 09/08/2022
Ngày có hiệu lực 09/08/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5192/BNN-TCLN
V/v trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 81, 82):

- Câu 81: Theo quy định tại Điều 32 Luật Lâm nghiệp “Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng tự nhiên”. Tuy nhiên, chưa quy định, hướng dẫn cụ thể và chưa cấp đủ kinh phí để thực hiện. Đề nghị đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định quy định cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ ngân sách Trung ương với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm (ngân sách địa phương rất khó khăn, còn hưởng trợ cấp ngân sách Trung ương đến 60%, nên không thể có nguồn chi) và nâng nguồn kinh phí trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên đối với UBND xã quản lý từ 100.000 đồng/ha/năm lên 500.000 đồng/ha/năm.

- Câu 82: Hiện nay, có nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương về công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 đã kết thúc, như chính sách Quản lý rừng bền vững theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tăng cường quản lý công tác khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020... Đề nghị kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các chính sách trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng “Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp”. Bộ đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ tại Tờ trình số 6859/TTr-BNN-TCLN ngày 22/10/2021 và tiếp thu, giải trình ý kiến của các Thành viên Chính phủ tại Báo cáo số 3078/BC-BNN-TCLN ngày 17/5/2022, trình Chính phủ để xem xét, ban hành .

Dự thảo Nghị định đã quy định đầy đủ các chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng nói chung, chính sách cụ thể theo loại rừng và đối tượng, trong đó có quy định về cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng tự nhiên (Điều 12). Các chính sách được quy định đảm bảo hài hòa khả năng cân đối ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, an ninh, quốc phòng.

2. Trong giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp đang xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/08/2021 của Chính phủ; Tiểu Dự án 1, Dự án 3: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo cơ chế, chính sách hiện hành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Thông tư hướng dẫn bảo vệ và phát triển rừng thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; được ban hành trong năm 2022 để triển khai các chương trình về lâm nghiệp trên.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- TTr Lê Quốc Doanh;
- Ban Dân nguyên;
- VPCP (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, TCLN.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan