Công văn 4541/BNN-VPĐP năm 2023 hướng dẫn triển khai mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4541/BNN-VPĐP
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4541/BNN-VPĐP
V/v hướng dẫn triển khai mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh[1]

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; căn cứ đề nghị của các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-BNN-VPĐP ngày 08/3/2023 và Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP ngày 14/4/2023 phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở nội dung tại các quyết định phê duyệt danh mục mô hình thí điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, các địa phương đã chủ động tổ chức triển khai quy trình, thủ tục phê duyệt dự án/kế hoạch, phân bổ vốn và tổ chức xây dựng mô hình. Tuy nhiên, qua nắm bắt, một số địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn bổ sung một số nội dung xây dựng mô hình, cụ thể như sau:

1. Về nội dung triển khai mô hình thí điểm

Mục tiêu, nội dung của các mô hình thí điểm phải phù hợp với yêu cầu của mục tiêu và nội dung của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đề nghị quan tâm đến một số vấn đề sau:

a) Căn cứ yêu cầu của từng loại mô hình đã được nêu cụ thể tại Quyết định số 799/QĐ-BNN-VPĐP ngày 08/3/2023 và Quyết định số 1528/QĐ-BNN- VPĐP ngày 14/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần khảo sát, đánh giá cụ thể hiện trạng thực tế, định hướng của từng mô hình để xác định các nội dung, giải pháp cần triển khai cho phù hợp, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra của mô hình.

b) Các nội dung hỗ trợ đầu tư cần phù hợp với nhu cầu của các chủ thể OCOP, cộng đồng gắn với từng nhóm mô hình; tính khả thi về thời gian thực hiện; đồng thời, phù hợp với quy định sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển) theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và quy định hiện hành.

2. Về nguồn vốn triển khai mô hình

a) Nguồn vốn thực hiện mô hình, bao gồm: Vốn hỗ trợ từ Ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (vốn đầu tư phát triển) được phân bổ cho địa phương; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác.

b) Nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai các mô hình thí điểm đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và điều chỉnh một số chỉ tiêu mục tiêu, nhiệm vụ của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 1486/BNN-VPĐP ngày 13/3/2023 hướng dẫn triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (trong đó có nội dung hướng dẫn triển khai vốn đối với Chương trình OCOP).

c) Về cơ cấu nguồn vốn xây dựng mô hình:

- Tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương: áp dụng quy định tại khoản b, tiểu mục 1, mục V tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ (cụ thể là: Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa cho một công trình, dự án không quá 70% đối với các huyện miền núi, không quá 50% đối với các huyện còn lại. Căn cứ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 -2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều kiện thực tế của các địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể).

- Vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác: thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Khoản 6, Điều 1 Nghị định 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các quy định khác có liên quan.

Căn cứ vào mục tiêu, quy mô và yêu cầu của mô hình, vốn ngân sách trung ương được giao, khả năng bố trí vốn ngân sách địa phương, các nguồn vốn huy động khác và điều kiện thực tế, các tỉnh chủ động bố trí cơ cấu nguồn vốn phù hợp theo quy định.

3. Trình tự, thủ tục triển khai mô hình

Căn cứ kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao và danh mục mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét, giao các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ trì lập dự án/kế hoạch mô hình thí điểm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công và quy định hiện hành.

4. Công tác tổng hợp, kiểm tra, giám sát kết quả xây dựng mô hình

a) Dự án/kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt của các địa phương, đề nghị gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Nhà B9, số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) để tổng hợp, theo dõi và phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả thực hiện mô hình; định kỳ hằng năm, gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Sở NN&PTNT, VPĐP NTM 30 tỉnh;;
- Lưu: VT, VPĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

 

 



[1] Gồm 30 tỉnh có mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.