Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 1486/BNN-VPĐP về hướng dẫn triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1486/BNN-VPĐP
Ngày ban hành 13/03/2023
Ngày có hiệu lực 13/03/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1486/BNN-VPĐP
V/v hướng dẫn triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn NSTW năm 2023 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM

Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các bộ, ngành trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 (vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi tắt là Chương trình), cụ thể như sau:

I. VỀ VIỆC TRIỂN KHAI VỐN BỔ SUNG KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN NGUỒN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Tổng vốn giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình cho các tỉnh là 5.050 tỷ đồng, gồm: Vốn trong nước là 3.000 tỷ đồng (còn lại của Chương trình giai đoạn 2021-2025); vốn nước ngoài được giao bổ sung trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của Chương trình để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn là 2.050 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của Chương trình là 32.050 tỷ đồng (gồm: 30.000 tỷ đồng vốn trong nước đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 và 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài bổ sung trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH15 ngày 14/12/2022) đã được Thủ tướng Chính phủ giao đầy đủ và cụ thể cho các địa phương để triển khai thực hiện (trong đó, giao lần 1 là 27.000 tỷ đồng2, lần 2 là 5.050 tỷ đồng3).

2. Nội dung phân bổ cho các tỉnh

Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương được quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg) và các quy định hiện hành, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 được phân bổ cho các địa phương để thực hiện các nội dung sau:

a) Đối với 3.000 tỷ đồng vốn trong nước:

- Phân bổ 2.050 tỷ đồng cho 45 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi theo các tiêu chí, hệ số phân bổ ưu tiên theo đối tượng xã, huyện, tỉnh được quy định tại các Khoản (1, 2, 3) Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg để thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phân bổ 300 tỷ đồng cho 30 tỉnh để hỗ trợ thực hiện các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương về: Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa; sản phẩm OCOP xanh gắn với mục tiêu phát triển cộng đồng trong quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò cộng đồng thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-20254 (Danh mục mô hình cụ thể được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt).

- Phân bổ 650 tỷ đồng hỗ trợ một số địa phương thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh (Theo chỉ đạo điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước), cụ thể:

+ Bổ sung 375 tỷ đồng cho 11 tỉnh để hỗ trợ trực tiếp cho 15 huyện “trắng xã NTM” có thêm nguồn lực phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 03 xã/01 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 15 tiêu chí, gồm: Huyện Bảo Lâm, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng); huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái); huyện Pắc Nặm (tỉnh Bắc Kạn); huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên); huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa); huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An); huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam); huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi); huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa); huyện Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận); huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông); huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Bình quân 25 tỷ đồng/huyện;

+ Bổ sung 50 tỷ đồng cho tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ trực tiếp huyện Định Hóa có thêm nguồn lực hoàn thành một số tiêu chí huyện NTM còn lại và phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2023;

+ Bổ sung 50 tỷ đồng cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ trực tiếp cho huyện K’bang có thêm nguồn lực hoàn thành một số tiêu chí huyện NTM còn lại và phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025;

+ Bổ sung 40 tỷ đồng cho tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ trực tiếp cho xã Mường Chanh, huyện Mường Lát có đủ nguồn lực hoàn thành các tiêu chí xã NTM và phấn đấu đạt chuẩn đến năm 2025;

+ Bổ sung 135 tỷ đồng cho 10 tỉnh5 để hỗ trợ triển khai xây dựng thí điểm một số Trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện đại diện một số vùng của cả nước (Nội dung 06 thuộc Nội dung thành phần số 02 Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Bình quân 13,5 tỷ đồng/mô hình. Căn cứ quy hoạch các vùng sản xuất tập trung của tỉnh được phê duyệt và điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, làm cơ sở để bố trí nguồn lực, triển khai thực hiện theo quy định.

b) Đối với 2.050 vốn nước ngoài được bổ sung trong Chương trình được phân bổ cho 16 tỉnh (Tuyên Quang; Phú Thọ; Bắc Giang; Lai Châu; Điện Biên; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Nam; Phú Yên; Bình Thuận; Đắk Nông; Gia Lai; Kon Tum; Bình Phước; Sóc Trăng; Cà Mau) để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn ADB theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

(Phương án phân bổ cho các tỉnh theo Phụ lục I ,II đính kèm)

3. Định mức phân bổ tại các tỉnh:

Căn cứ tổng mức vốn đầu tư phát triển (vốn trong nước, vốn nước ngoài) được giao và điều kiện thực tế của từng tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn, phương án lồng ghép các nguồn vốn theo quy định để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định (theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg), trong đó, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các nội dung sau:

- Hỗ trợ thực hiện các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương về: Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa; sản phẩm OCOP xanh gắn với mục tiêu phát triển cộng đồng trong quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò cộng đồng thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Danh mục mô hình thí điểm cụ thể được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt6).

- Hỗ trợ trực tiếp cho huyện “trắng xã NTM” của 11 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Đắk Nông, Kon Tum và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi) có thêm nguồn lực phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 03 xã/01 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 15 tiêu chí.

- Hỗ trợ trực tiếp huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên để có thêm nguồn lực hoàn thành một số tiêu chí huyện NTM còn lại và phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2023.

- Hỗ trợ trực tiếp cho huyện K’bang, tỉnh Gia Lai để có thêm nguồn lực hoàn thành một số tiêu chí huyện NTM còn lại và phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025.

- Hỗ trợ trực tiếp cho xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa để có đủ nguồn lực hoàn thành các tiêu chí xã NTM và phấn đấu đạt chuẩn đến năm 2025.

- Hỗ trợ triển khai xây dựng thí điểm một số Trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện (gồm 10 tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Ninh Thuận, Gia Lai, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang).

- Hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn (vốn nước ngoài) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

II. VỀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2023

[...]