Công văn 4526/LĐTBXH-TCGDNN năm 2020 về hướng dẫn tổng kết, đánh giá Dự án, Nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 4526/LĐTBXH-TCGDNN
Ngày ban hành 18/11/2020
Ngày có hiệu lực 18/11/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Tấn Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4526/LĐTBXH-TCGDNN
V/v hướng dẫn tổng kết, đánh giá Dự án, Nội dung thành phần thuộc CTMT, CTMTQG giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngành Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 tại Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” (sau đây gọi tắt là Dự án) thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động (theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ) và nội dung thành phần số 06 “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc nội dung số 03 về Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân (sau đây gọi tắt là nội dung 06) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời, nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức tổng kết, đánh giá Dự án theo quy định tại Quyết định số 1821/QĐ-LĐTBXH ngày 19/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung vào các nội dung sau:

- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Dự án;

- Tình hình phân bổ và giao vốn thực hiện; lồng ghép giữa các chương trình, bố trí vốn địa phương và huy động nguồn lực khác trong thực hiện Dự án giai đoạn 2016-2020; tình hình giải ngân vốn giai đoạn 2016-2019 và ước thực hiện năm 2020;

- Tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn của Dự án. Các kết quả đạt được, trong đó làm rõ kết quả đạt được theo các mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định đầu tư Dự án;

- Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, điều hành và các tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện: làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm và trách nhiệm của các cấp, các ngành;

- Đề xuất giải pháp, chính sách và cơ chế quản lý, điều hành cho giai đoạn 2021-2025.

2. Tổ chức tổng kết, đánh giá Nội dung 06 theo quy định tại Quyết định số 736/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2019 của bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chỉ tiêu giám sát, đánh giá thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; đồng thời, tiếp tục tổng kết, đánh giá theo hướng dẫn tại Công văn số 1582/LĐTBXH-TCGDNN, Công văn số 1583/LĐTBXH-TCGDNN ngày 07/5/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Căn cứ các mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025; tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Dự án để đề xuất kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

(Chi tiết hướng dẫn theo đề cương và các phụ lục kèm theo)

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn và gửi báo cáo, đề xuất về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, số 37B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) trước ngày 30/11/2020 để tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, điện thoại: 0243.9740.362, email: ctmt.gdnn@molisa.gov.vn) để được hướng dẫn.

Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng để báo cáo);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CỦA DỰ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG VÀ NỘI DUNG THÀNH PHẦN 6 “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Công văn số 4526/LĐTBXH-TCGDNN ngày 18/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Về quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện Dự án

Đánh giá thuận lợi, khó khăn trong áp dụng các chính sách quản lý, điều hành, thực hiện Dự án

2. Về huy động nguồn lực, quản lý và sử dụng nguồn lực cho Dự án

a) Huy động nguồn lực

- Kết quả huy động các nguồn lực, gồm: NSTW; NSĐP; ODA và nguồn khác

- Các giải pháp lồng ghép (liệt kê cụ thể kết quả lồng ghép các chương trình, dự án). Đánh giá hiệu quả công tác lồng ghép, những khó khăn trong thực hiện lồng ghép.

[...]