Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 899/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/06/2017
Ngày có hiệu lực 20/06/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 899/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 gồm các nội dung chính sau đây:

I. Tên Chương trình và cơ quan quản lý Chương trình:

1. Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình).

2. Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

II. Mục tiêu của Chương trình:

1. Mục tiêu tổng quát: Hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

2. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020:

a) Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 và khoảng 30 trường chuyên biệt đủ điều kiện đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật.

b) Đầu tư đồng bộ khoảng 100 nghề trọng điểm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp ở các cấp độ.

c) Hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 lao động để đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

d) Tư vấn chính sách việc làm và học nghề trong đó 45% đến 50% số người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được giới thiệu việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công.

đ) Giảm trung bình hằng năm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất và một số ngành, nghề khác).

e) Hỗ trợ thí điểm cho 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động (OHSAS 18001, SA 8000,...) và xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

III. Phạm vi, đối tượng của Chương trình

1. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn quốc để triển khai các hoạt động nâng cao năng lực bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, việc làm; ngành nghề, doanh nghiệp, làng nghề trọng điểm, có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường lao động.

2. Đối tượng thực hiện Chương trình: Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ để thực hiện các dự án, hoạt động của Chương trình.

IV. Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 2016 đến năm 2020.

[...]