Công văn 446/HĐPH phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5; Chỉ thị 23/CT-TTg triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Giáp Thìn 2024 do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành
Số hiệu | 446/HĐPH |
Ngày ban hành | 24/01/2024 |
Ngày có hiệu lực | 24/01/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương |
Người ký | Nguyễn Thanh Tịnh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI
ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRUNG ƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 446/HĐPH |
Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ; |
Nhằm tiếp tục nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ và Nhân dân, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân; thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên cơ sở các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (có danh sách kèm theo), Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (sau đây gọi là Chỉ thị số 23/CT-TTg), Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; để kịp thời triển khai một số nhiệm vụ PBGDPL, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và các địa phương thực hiện các công việc sau đây:
1. Tăng cường tổ chức phổ biến các luật, nghị quyết mới được thông qua
1.1. Các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật[1] tăng cường tổ chức phổ biến các luật, nghị quyết mới được thông qua như sau:
a) Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản luật, nghị quyết được thông qua trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.
b) Tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, phổ biến pháp luật; kịp thời quán triệt, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của văn bản luật cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật; giải thích, cung cấp đầy đủ quy định của văn bản luật liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khi công dân có yêu cầu trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc của công dân.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, xác định nội dung, hình thức phổ biến văn bản luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu phổ biến nội dung văn bản luật và phối hợp với Bộ Tư pháp (Cục PBGDPL) để cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia (http://pbgdpl.gov.vn). Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường thông tin, phổ biến rộng rãi nội dung của luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và Nhân dân bằng hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật (tập huấn, thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật trực tuyến; đối thoại pháp luật trực tuyến; biên soạn, đăng tải hỏi - đáp pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử ...); bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
1.2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn, đề nghị các bộ, ngành trung ương:
a) Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện pháp luật và chủ động tổ chức phổ biến, thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật có liên quan bằng hình thức phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tự giác học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành pháp luật và tham gia PBGDPL cho người dân. Trong quá trình thực hiện, cần nắm bắt và phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ý kiến của Nhân dân, phản ánh của dư luận xã hội về tính khả thi, phù hợp của văn bản mới ban hành; kịp thời định hướng thông tin, phổ biến những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; giải đáp pháp luật và các vướng mắc trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực, phạm vi do mình quản lý cho Nhân dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và mạng lưới truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến về nội dung các luật mới được thông qua theo hướng dẫn tại Công văn này.
c) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí cần tăng cường thời lượng, lồng ghép phổ biến rộng rãi, thường xuyên các nội dung luật mới trên chuyên trang, chuyên mục của báo, đài để người dân biết và thực hiện.
d) Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có văn bản hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung, tinh thần của các văn bản luật có liên quan trong toàn ngành.
đ) Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung văn bản luật liên quan cho thành viên, hội viên của tổ chức mình và tham gia PBGDPL cho Nhân dân; tích cực vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành pháp luật; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật.
1.3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn tại Công văn này và nhu cầu, điều kiện thực tiễn địa phương, có kế hoạch triển khai phổ biến nội dung, tinh thần của các văn bản luật tại địa phương bằng hình thức phù hợp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo hiệu quả, thực chất.
2. Tăng cường phổ biến Chỉ thị số 23/CT-TTg
2.1. Nhằm thống nhất nhận thức và tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về giá trị pháp lý, vai trò của Phiếu Lý lịch tư pháp, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và việc sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật, góp phần triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg, đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức quán triệt, chủ động ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức PBGDPL về các nhiệm vụ cụ thể của Chỉ thị số 23/CT-TTg phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung Luật Lý lịch tư pháp, Chỉ thị số 23/CT-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành lên Cổng/Trang Thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu theo đúng quy định của pháp luật.
2.2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động tổ chức tuyên truyền quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Chỉ thị 23/CT-TTg bằng hình thức phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm. Về nội dung, tập trung phổ biến các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp, mục đích, giá trị pháp lý của Phiếu lý lịch tư pháp; quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; các phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp, về hình thức, tập trung biên soạn, cung cấp, đăng tải các loại hình tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu (tờ rơi, tờ gấp, đồ họa thông tin pháp luật-infographic), hỏi đáp tình huống pháp luật cụ thể có liên quan; tiểu phẩm pháp luật..., ưu tiên việc đăng tải tài liệu phổ biến trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo...), thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Trong quá trình thực hiện, cần nắm bắt và phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ý kiến của Nhân dân, phản ánh của dư luận xã hội về sự cần thiết của Phiếu lý lịch tư pháp trong các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để làm căn cứ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính.
2.3. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao tăng cường công tác PBGDPL về lý lịch tư pháp cho đối tượng, là người sử dụng lao động, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa tình trạng tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động, chú trọng nhóm đối tượng là lao động nữ, lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi, lao động là người khuyết tật, lao động là người giúp việc gia đình. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp trong quá trình tuyển dụng lao động. Trước mắt có thể chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp đã được đề cập tại Công văn số 81/TCTCCTTHC ngày 18/10/2023 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính về việc kiểm tra, xử lý phản ánh kiến nghị và thông tin báo chí về quy định, thủ tục hành chính có liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp.
2.4. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường triển khai phổ biến sâu rộng các nội dung Chỉ thị số 23/CT-TTg trong toàn ngành; kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu ban hành, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan để hạn chế doanh nghiệp yêu cầu người dân xuất trình/nộp Phiếu lý lịch tư pháp không cần thiết trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động (theo nội dung Công văn số 5298/BTP-VP ngày 02/11/2023 của Bộ Tư pháp).
2.5. Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tích cực phát huy vai trò của tổ chức trong hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động; tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn các cấp phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp trong quá trình tuyển dụng lao động.
2.6. Đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tích cực phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp.
2.7. Thông tin, tài liệu phổ biến thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg được Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp (http//:pbgdpl.moj.gov.vn); fanpage Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp và tài khoản zalo Phổ biến giáo dục pháp luật để bộ, ngành, địa phương tham khảo, sử dụng trong quá trình triển khai thực hiện.
3. Tổ chức triển khai một số nhiệm vụ PBGDPL
Thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng[2]; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương chủ động lồng ghép triển khai việc phổ biến các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh gắn với quy định của pháp luật có liên quan cũng như lồng ghép trong triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình có liên quan một cách phù hợp.
4. Đẩy mạnh PBGDPL nhân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024
Đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Cán bộ, công chức khi thực thi công vụ cần chú trọng phổ biến, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Nội dung PBGDPL cần hướng tới nâng cao ý thức tự giác của Nhân dân trong thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, nhất là xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy; sử dụng pháo và vật liệu nổ; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, đánh bạc...); phòng cháy, chữa cháy; cư trú, xuất nhập cảnh; an ninh thông tin, an toàn mạng; phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm; an toàn thực phẩm; các hoạt động tổ chức lễ hội...
Hình thức PBGDPL được lựa chọn phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn bảo đảm thiết thực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng lưới loa truyền thanh cơ sở, PBGDPL trực quan trong công tác PBGDPL; lồng ghép giao lưu, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, hòa giải ở cơ sở..., đồng thời phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia phổ biến, vận động, thuyết phục người dân nghiêm túc tuân thủ, chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.