Chỉ thị 30/CT-TTg năm 2023 tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 30/CT-TTg
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/12/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/CT-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024 VUI TƯƠI, LÀNH MẠNH, AN TOÀN, TIẾT KIỆM

Năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả, cùng với sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng khác trên các lĩnh vực, trong đó phấn đấu hoàn thành cao nhất tất cả các chỉ tiêu về xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.

Để triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23 tháng 11 năm 2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:

a) Theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Phối hợp, chỉ đạo các địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, có kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, cung ứng liên tục, đầy đủ cho thị trường với giá hợp lý.

b) Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,... chú trọng các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng hàng không, các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa...

c) Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn cung năng lượng như điện, xăng dầu cho thị trường trong nước giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuyệt đối không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động cung ứng điện, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng để góp phần ổn định thị trường, phục vụ cho Nhân dân; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các đơn vị bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống.

d) Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mại trên toàn quốc, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:

a) Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

b) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp Tết (như chất nổ, pháo nổ, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường, thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm...).

c) Đẩy mạnh việc thu ngân sách nhất là thu qua hóa đơn điện tử các mặt hàng như xăng dầu, hàng ăn. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là tại các vùng xảy ra thiên tai, bão lũ, không để người dân bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024; chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở bò để hạn chế thiệt hại, bảo đảm ổn định sản xuất; hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật... theo quy định cho các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho Nhân dân vui Xuân đón Tết.

b) Phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

c) Chủ động kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê sông, đê biển sau mùa mưa bão; vận hành hợp lý, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, có kế hoạch bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân và nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất, thủy điện; tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, có giải pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:

a) Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm...) để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết, không để ai không có Tết.

b) Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định. Thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo đảm người lao động Việt Nam ở nước ngoài được đón Tết Nguyên đán theo phong tục, truyền thống của dân tộc và phù hợp với điều kiện thực tế.

c) Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo đảm tất cả các trẻ em đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho người dân; hướng dẫn bảo vệ trẻ em khỏi các sản phẩm và hoạt động văn hóa, thông tin, giải trí, đồ chơi độc hại, tệ nạn cờ bạc. Tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

d) Theo dõi, kiểm tra thường xuyên tình hình hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn tập thể, phá hoại tài sản, cơ sở vật chất, gây mất ổn định tình hình chính trị, xã hội tại địa phương trong dịp Tết Nguyên đán.

5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:

a) Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa Đông - Xuân, dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta. Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây, bùng phát lan rộng trong cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vắc xin, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

b) Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ. Chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị…; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát chặt chẽ, bảo đảm công tác an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

d) Đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh phục vụ Nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là về chất lượng thuốc, thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành.

6. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:

[...]