Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 427/TANDTC-KHTC năm 2021 thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 427/TANDTC-KHTC
Ngày ban hành 02/12/2021
Ngày có hiệu lực 02/12/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Du
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 427/TANDTC-KHTC
V/v thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi:

- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Thực hiện Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Tòa án nhân dân tối cao triển khai thực hiện các nội dung như sau:

I. Mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025

1. Mục tiêu

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây gọi tắt là THTK, CLP) giai đoạn 2021-2025 là tăng cường THTK, CLP trong quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước được giao hàng năm. Nâng cao ý thức, nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về THTK, CLP trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

2. Yêu cầu

- Bám sát chủ trương, định hướng tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội;

- Xác định THTK, CLP là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính thường xuyên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; đảm bảo phân công, phân cấp cụ thể, rõ đầu mối thực hiện;

- Phải đảm bảo thực chất, có kết quả cụ thể, gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

3. Nhiệm vụ trọng tâm

Công tác THTK, CLP trong giai đoạn 2021-2025 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

a) Quản lý chặt chẽ việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được giao;

b) Tăng cường quản lý, đẩy nhanh thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả, đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 được giao;

c) Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng;

d) Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để sử dụng hiệu quả chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, góp phần cải cách chính sách tiền lương;

e) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án;

f) Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các đơn vị.

II. Một số chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí

1. Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được giao. Triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị, trong đó:

- Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương); rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa: bổ sung ngân sách nhà nước ngoài dự toán, tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài,...;

- Tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi. Thực hiện công khai về nội dung thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật;

- Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo;

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

2. Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

- Thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn Luật;

- Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật đầu tư công.

- Tập trung đầu tư có trọng điểm các dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, bố trí vốn đúng quy định, đảm bảo sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả;

[...]