Công văn 4051/BNN-VP năm 2013 báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4051/BNN-VP
Ngày ban hành 12/11/2013
Ngày có hiệu lực 12/11/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4051/BNN-VP
V/v báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2013

 

Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn trực tiếp các Đại biểu Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn (Nghị quyết số 52/2013/QH13 ngày 21/06/2013), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

1. Thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững:

1.1. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch vùng

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo lập quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu như: Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013); Quy hoạch cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 (Quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT ngày 07/7/2013); hoàn thành các quy hoạch: phát triển ngành muối đến năm 2020, phát triển bò sữa đến năm 2020, quy hoạch vùng trồng sắn nguyên liệu, quy hoạch tái canh cây cà phê, cải tạo thay thế giống điều, quy hoạch rừng phòng hộ ven biển…

Trong lĩnh vực thủy lợi, đã tập trung hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều chỉnh quy hoạch đê biển Quảng Ninh-Quảng Nam có tính tới biến đổi khí hậu, nước biển dâng và kết hợp giao thông; Rà soát quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Đối với kết cấu hạ tầng sản xuất, tập trung hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; quy hoạch hệ thống chế biến, dự trữ cà phê ; quy hoạch các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm…

Nhìn chung, các quy hoạch ngành nông nghiệp và PTNT thời gian qua luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng và từng thời kỳ. Các quy hoạch đều cập nhật các yếu tố mới, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong quá trình nghiên cứu, xác lập quy hoạch đều có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương; gắn quy hoạch nông nghiệp với quy hoạch các ngành kinh tế khác, bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và cả nước để phát triển nông nghiệp.

1.2. Thực hiện tái cơ cấu ngành, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo; đẩy mạnh áp dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

* Về thực hiện tái cơ cấu Ngành: Triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013). Triển khai Đề án, Bộ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án (Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013) và ban hành Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 để hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai Đề án. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, các Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, đề án tái cơ cấu của các lĩnh vực, đơn vị, địa phương, lựa chọn các nội dung ưu tiên để thực hiện ngay từ cuối năm 2013 và năm 2014.

* Về sản xuất lúa gạo: Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc trực tiếp với các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong tháng 7/2013 đã có 02 cuộc họp, hội nghị bàn về sản xuất tiêu thụ lúa gạo do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì được tổ chức tại vùng ĐBSCL nhằm tìm ra các biện pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị của Bộ thường xuyên chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn, tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc mua tạm trữ lúa gạo tại các địa phương.

Vụ Hè Thu năm 2013, để đảm bảo tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, căn cứ tình hình thu hoạch và xu hướng biến động giá cả chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, đề xuất kịp thời với Thủ tướng Chính phủ mua tạm trữ 01 triệu tấn quy gạo. Việc mua tạm trữ đã góp phần ngăn chặn được tình trạng sụt giảm sâu của giá lúa, gạo vào thời điểm thu hoạch rộ, giữ được giá ổn định và có thời điểm tăng lên 800-1000 đồng/kg so với trước khi mua tạm trữ đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

Bộ đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trước mắt là các Tổng công ty Lương thực Nhà nước thực hiện ngay việc liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Để giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất lúa, gạo, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành dự thảo chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, đã trình Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 3316/TTr-BNN-CB ngày 16/9/2013) ban hành thay thế Quyết định 63 Quyết định 65, trong đó có hỗ trợ cả máy sản xuất trong nước và máy nhập khẩu.

Đồng thời, Bộ đang chỉ đạo các tổ chức trực thuộc xây dựng Đề án phát triển sản xuất chế biến lúa gạo như một sản phẩm chủ lực của quốc gia, tập trung nguồn lực nghiên cứu chọn tạo các giống có giá trị thương phẩm và tính ổn định cao và các vấn đề khác có liên quan.

* Về đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp:

Trong 5 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rà soát lại các nhiệm vụ nghiên cứu và khuyến nông, tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, trong đó:

- Chọn tạo và phổ biến các giống lúa có giá trị thương phẩm và tính ổn định cao, các giống ngô có năng suất cao, kỹ thuật tái canh cà phê, thâm canh cây điều, sản xuất thanh long an toàn hiệu quả.

- Chọn tạo và phổ biến các giống gia cầm phục vụ chăn nuôi nông hộ, phát triển vắc xin.

- Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống tôm, nhuyễn thể (ngao, tu hài), giảm tỷ lệ chết của cá tra.

- Chọn tạo và phổ biến giống cây trồng năng suất cao, cây lâm sản ngoài gỗ có ưu thế của mỗi vùng.

- Kỹ thuật và công nghệ tưới tiết kiệm, dự báo lũ, cấp thoát nước cho nuôi trồng thủy sản.

- Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch, tái cơ cấu sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đổi mới quản lý nhà nước về nông nghiệp và nông thôn.

- Phát triển và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến, làng nghề, sử dụng phụ phế phẩm, chất thải sinh hoạt trong nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời Bộ đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ và khuyến nông đang triển khai đảm bảo có hiệu quả thiết thực. Bộ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các thông tư quản lý cây trồng biến đổi gen, phân cấp quản lý cho các Viện trực thuộc Bộ.

1.3.Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tổng kết đánh giá các mô hình liên kết hiệu quả gắn sản xuất với tiêu thụ lúa gạo và xây dựng cánh đồng lớn; trên cơ sở đó chỉ ra những mặt được, những hạn chế làm cơ sở hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng thời phối hợp với các địa phương chỉ đạo nhân ra diện rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn xuất phát từ tỉnh An Giang. Hiện nay đã có 43 tỉnh, thành phố trong cả nước đang tổ chức nhân rộng mô hình này đối với cây lúa.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (QĐ số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013).

[...]