Nghị quyết 52/2013/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Số hiệu 52/2013/QH13
Ngày ban hành 21/06/2013
Ngày có hiệu lực 21/06/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 52/2013/QH13

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XIII

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11; Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII,

QUYẾT NGHỊ:

I. Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành về kết quả bước đầu trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 2, 3 và 4; yêu cầu Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Quốc hội nhận thấy phiên chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri cả nước quan tâm. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành với trách nhiệm của mình cơ bản giải đáp được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu và đưa ra được một số giải pháp cụ thể để giải quyết.

II. Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà các Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã cam kết trước Quốc hội. Quốc hội yêu cầu:

1. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tiến hành các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững.

Tập trung làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, gắn quy hoạch nông nghiệp với quy hoạch công nghiệp và quy hoạch các ngành kinh tế khác, bảo đảm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả nước để phát triển nông nghiệp.

Tiến hành tái cơ cấu ngành, sản phẩm, gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản, rừng...; đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp; thực hiện liên kết giữa các ngành trong sản xuất nông nghiệp và với các ngành khác.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và quy trình sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp, từ giống đến sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối trên thị trường, tiêu thụ nông sản, thủy sản, ổn định giá thu mua lúa; kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các vật tư nông nghiệp khác. Khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Tập trung xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, phấn đấu để có nhiều sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm sạch, chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bao gồm đầu tư công, tín dụng, bảo hiểm, thuế và các lĩnh vực khác, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả; đặc biệt quan tâm đến chính sách cho ngư dân vùng biển gắn với chiến lược biển.

- Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao rừng, đất nông trường, lâm trường gắn với việc sắp xếp nông, lâm trường và hoàn thiện cơ chế khoán trồng và bảo vệ rừng; cắm mốc phân loại các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; khắc phục nạn phá rừng, chống cháy rừng; ban hành chính sách đặc thù cho người dân vùng lòng hồ thủy điện tái định cư; sớm hoàn thành và tổ chức thực hiện Đề án trồng bù diện tích rừng chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện; khẩn trương xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu của cả nước và từng địa phương.

- Sơ kết việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển sản xuất nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở nông thôn.

2. Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương các cấp trong việc:

- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm động lực phát triển đất nước; giải quyết những tồn tại, bất cập trong quản lý lĩnh vực văn hóa, trước hết là những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức trong gia đình và trong các quan hệ xã hội khác; tuyên truyền, giáo dục lối sống lành mạnh trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

- Có giải pháp tích cực để giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Chấn chỉnh hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật; bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục, khuyến khích các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống; củng cố các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Khẩn trương xây dựng quy hoạch duy tu, bảo dưỡng và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các cơ sở đã xuống cấp. Tăng cường quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch. Xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch Việt Nam. Áp dụng các tiêu chuẩn trong phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc phát triển du lịch. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa, nhân rộng các mô hình liên kết, có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hiện tượng tiêu cực; phối hợp chặt chẽ các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu du lịch, điểm du lịch.

Phấn đấu đến năm 2020 du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế; sau 2020, có vị trí xứng đáng trong khu vực.

- Có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển rộng khắp phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, nhất là trong thanh niên, thiếu niên nhằm nâng cao thể chất con người Việt Nam và thành tích thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế. Phát huy, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao hiện có. Sớm khắc phục có hiệu quả những hạn chế, tiêu cực trong ngành thể thao.

3. Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội:

- Rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại các cơ sở đào tạo hướng nghiệp, đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nghề, bảo đảm chất lượng dạy nghề; định hướng phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng với doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế và các hình thức liên kết trong công tác đào tạo nghề.

[...]