Công văn 30587/CTHN-TTHT năm 2022 về chính sách khấu hao tài sản cố định do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 30587/CTHN-TTHT |
Ngày ban hành | 29/06/2022 |
Ngày có hiệu lực | 29/06/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục thuế thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Tiến Trường |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2022 |
Kính
gửi: Công ty TNHH TPSC (Việt Nam)
(Địa chỉ: Phòng 10-04, tầng 10, số 44B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo,
quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; MST: 0106537965)
Trả lời công văn số 06/2022 đề ngày 08/06/2022 của Công ty TNHH TPSC (Việt Nam) (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định:
+ Tại Khoản 2 Điều 9 quy định:
“Điều 9. Nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ:
…2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”
+ Tại Điều 10 quy định về xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định hữu hình:
“Điều 10. Xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định hữu hình:
1. Đối với tài sản cố định còn mới (chưa qua sử dụng), doanh nghiệp phải căn cứ vào khung thời gian trích khấu hao tài sản cố định quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này để xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định.
2. Đối với tài sản cố định đã qua sử dụng, thời gian trích khấu hao của tài sản cố định được xác định như sau:
Thời gian trích khấu hao của TSCĐ |
= |
Giá trị hợp lý của TSCĐ |
x |
Thời gian trích khấu hao của TSCĐ mới cùng loại xác định theo Phụ lục 1 (ban hành kèm theo Thông tư này) |
Giá bán của TSCĐ cùng loại mới 100% (hoặc của TSCĐ tương đương trên thị trường) |
Trong đó: Giá trị hợp lý của TSCĐ là giá mua hoặc trao đổi thực tế (trong trường hợp mua bán, trao đổi), giá trị còn lại của TSCĐ hoặc giá trị theo đánh giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá (trong trường hợp được cho, được biếu, được tặng, được cấp, được điều chuyển đến) và các trường hợp khác.
3. Thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định:
a) Trường hợp doanh nghiệp muốn xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định mới và đã qua sử dụng khác so với khung thời gian trích khấu hao quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này, doanh nghiệp phải lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định trên cơ sở giải trình rõ các nội dung sau:
- Tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ theo thiết kế;
- Hiện trạng TSCĐ (thời gian TSCĐ đã qua sử dụng, thế hệ tài sản, tình trạng thực tế của tài sản);
- Ảnh hưởng của việc tăng, giảm khấu hao TSCĐ đến kết quả sản xuất kinh doanh và nguồn vốn trả nợ các tổ chức tín dụng.
- Đối với các tài sản hình thành từ dự án đầu tư theo hình thức B.O.T, B.C.C thì doanh nghiệp phải bổ sung thêm Hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
b) Thẩm quyền phê duyệt Phương án thay đổi thời gian trích khấu hao của tài sản cố định:
…- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đối với các Tổng công ty, công ty độc lập do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có trụ sở chính trên địa bàn.
Trên cơ sở Phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phê duyệt Phương án, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý.
c) Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản. Việc kéo dài thời gian trích khấu hao của TSCĐ bảo đảm không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi Trường hợp doanh nghiệp thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ không đúng quy định thì Bộ Tài chính, cơ quan thuế trực tiếp quản lý yêu cầu doanh nghiệp xác định lại theo đúng quy định.
4. Trường hợp có các yếu tố tác động (như việc nâng cấp hay tháo dỡ một hay một số bộ phận của tài sản cố định) nhằm kéo dài hoặc rút ngắn thời gian sử dụng đã xác định trước đó của tài sản cố định, doanh nghiệp tiến hành xác định lại thời gian trích khấu hao của tài sản cố định theo ba tiêu chuẩn nêu trên tại thời điểm hoàn thành nghiệp vụ phát sinh, đồng thời phải lập biên bản nêu rõ các căn cứ làm thay đổi thời gian trích khấu hao, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại tiết b khoản 3 Điều này.”
+ Tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 quy định về phương pháp khấu hao đường thẳng:
“Điều 13. Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định:
…2. Căn cứ khả năng đáp ứng các điều kiện áp dụng quy định cho từng phương pháp trích khấu hao tài sản cố định, doanh nghiệp được lựa chọn các phương pháp trích khấu hao phù hợp với từng loại tài sản cố định của doanh nghiệp:
a) Phương pháp khấu hao đường thẳng là phương pháp trích khấu hao theo mức tính ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ. Tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao nhanh là máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm; thiết bị và phương tiện vận tải; dụng cụ quản lý; súc vật, vườn cây lâu năm. Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Trường hợp doanh nghiệp trích khấu hao nhanh vượt 2 lần mức quy định tại khung thời gian sử dụng tài sản cố định nêu tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này, thì phần trích vượt mức khấu hao nhanh (quá 2 lần) không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập trong kỳ.”