Công văn 256/VKSTC-V14 năm 2022 giải đáp khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, Viện kiểm sát cấp dưới do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 256/VKSTC-V14 |
Ngày ban hành | 25/01/2022 |
Ngày có hiệu lực | 25/01/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | Hoàng Thị Quỳnh Chi |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 256/VKSTC-V14 |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Viện trưởng VKS quân sự trung ương; |
Năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND tối cao) nhận được các ý kiến phản ánh của các đơn vị, Viện kiểm sát cấp dưới (sau đây viết tắt là đơn vị, VKS) về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nêu tại Phụ lục kèm theo Công văn số 397/VP-TMTH ngày 08/12/2021 của Văn phòng VKSND tối cao (Công văn số 397). Để thống nhất nhận thức các quy định trong ngành KSND, tạo thuận lợi trong việc áp dụng, nâng cao hiệu quả công tác, VKSND tối cao có ý kiến như sau:
1. VKSND tối cao phối hợp với TAND tối cao sớm có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn, giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để tránh tình trạng mâu thuẫn về quan điểm, đường lối giải quyết giữa hai ngành đối với các vấn đề pháp luật còn chưa điều chỉnh hoặc quy định không rõ ràng[1]
Từ năm 2017 đến hết năm 2021, VKSND tối cao đã phối hợp với TAND tối cao xem xét, thẩm định và thông qua 36 án lệ về dân sự, hành chính[2] để hướng dẫn các nội dung mà pháp luật quy định còn chưa rõ hoặc còn có cách hiểu khác nhau, có giá trị hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử,… Bên cạnh đó, thời gian qua, VKSND tối cao đã tích cực góp ý, phối hợp xây dựng nhiều Nghị quyết của Quốc hội[3], Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao[4], Thông tư liên tịch[5] liên quan đến việc hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật
VKSND tối cao đã tổng hợp những vướng mắc liên quan đến Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong 02 Báo cáo sơ kết 05 năm BLTTDS, Luật TTHC năm 2015[6] và kiến nghị đến TAND tối cao, các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp, nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan. Thời gian tới, VKSND tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ đối với TAND tối cao trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật dân sự, hành chính. Đối với những quy định của pháp luật còn chưa điều chỉnh hoặc không rõ ràng, đề nghị các đơn vị, VKS tiếp tục phản ánh, có đề nghị giải đáp và báo cáo thỉnh thị cụ thể gửi tới VKSND tối cao để nắm bắt và có phương án giải quyết phù hợp;
2. VKSND tối cao cần phối hợp với TAND tối cao sửa đổi Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 và Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS và Luật TTHC theo hướng: (1) Cụ thể thời gian Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho VKS có yêu cầu, thời gian Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án cho phù hợp với tình hình thực tế; (2) Tăng thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS đối với các vụ, việc phức tạp; (3) Bổ sung chế tài đối với trường hợp Tòa án vi phạm khi không gửi hay gửi chậm bản án, quyết định cho VKS; (4) Quy định rõ những trường hợp nào được xem là lý do khách quan kháng nghị quá hạn; (5) Bổ sung chế tài khi Tòa án tiếp tục tái vi phạm sau khi VKS đã ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm[7].
02 Thông tư liên tịch trên được ban hành nhằm hướng dẫn các quy định của BLTTDS, Luật TTHC năm 2015 nên đã bảo đảm phù hợp, không trái với các quy định của BLTTDS, Luật TTHC năm 2015. Do đó, những đề xuất, kiến nghị trên cần phải được sửa đổi trong BLTTĐS, Luật TTHC năm 2015, VKSND tối cao đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị này tại Báo cáo số 134/BC-VKSTC ngày 01/10/2021 về “Sơ kết 05 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân (2016-2020)”, Báo cáo số 141/BC-VKSTC ngày 05/10/2021 về “Sơ kết 05 năm thi hành Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân (2016-2020)” để kiến nghị với Quốc hội, TAND tối cao và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định này.
3. Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quy định tạm thời số 01/QyĐ-VKSTC ngày 03/4/2017 cửa Viện trưởng VKSND tối cao về việc ký văn bản thuộc thẩm quyền của VKSND tối cao theo hướng: Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao có thể ủy quyền cho Kiểm sát viên cao cấp - Phó Vụ trưởng ký các văn bản thuộc lĩnh vực công tác của đơn vị, trừ Thông báo không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà BLTTDS, Luật TTHC quy định Viện trưởng VKSND tối cao ký hoặc ủy quyền cho Kiểm sát viên VKSND tối cao ký[8]
Quy định tạm thời nêu trên đã quy định cụ thể về thẩm quyền ký thừa lệnh Viện trưởng VKSND tối cao của Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao (Điều 4) và việc ký văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao (Điều 6); đồng thời, ban hành kèm theo Danh mục cụ thể các văn bản mà Thủ trưởng đơn vị trực thuộc VKSND tối cao có thẩm quyền ký, quy định này đã bảo đảm chặt chẽ, chính xác, phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành. Do đó, đề nghị các đơn vị thuộc VKSND tối cao thống nhất áp dụng trong quá trình ban hành văn bản. Đối với đề xuất, kiến nghị nêu trên, VKSND tối cao sẽ nghiên cứu khi xây dựng dự thảo Quy định chính thức về việc ký văn bản thuộc thẩm quyền của VKSND tối cao (thay thế cho Quy định tạm thời số 01/QyĐ-VKSTC ngày 03/4/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao).
II. Trong công tác hướng dẫn thi hành pháp luật
1. Về những khó khăn, vướng mắc
1.1. Hướng dẫn nêu tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao mâu thuẫn với quy định tại tiểu mục 6.2 Mục 6 và tiểu mục 7.3 Mục 7 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC- BTP (Thông tư liên tịch số 17) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 khi quy định “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm”. Như vậy, bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma túy[9]
Văn bản đề xuất giải đáp khó khăn, vướng mắc không nêu cụ thể nội dung hướng dẫn áp dụng pháp luật nào của Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao có mâu thuẫn với quy định tại tiểu mục 6.2 Mục 6 và tiểu mục 7.3 Mục 7 Thông tư liên tịch số 17. Do đó, VKSND tối cao không có cơ sở để giải đáp khó khăn, vướng mắc này. Bên cạnh đó, căn cứ các quy định tại Điều 25, khoản 4 Điều 154, khoản 2 Điều 172 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Thông tư liên tịch số 17 và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17 là hướng dẫn quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không có giá trị hướng dẫn đối với quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hướng dẫn tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 nêu trên dựa trên quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); đồng thời, có tham khảo hướng dẫn của TAND tối cao tại Công văn số 89/TAND-PC ngày 30/6/2020.
1.2. VKSND tỉnh Đắk Nông gặp khó khăn khi thực hiện Công văn số 5887/VKSTC-V14, ngày 05/12/2019 của VKSND tối cao hướng dẫn thực hiện khoản 4 Điều 163 BLTTHS về nội dung “cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can có thẩm quyền điều tra hành vi của bị can xảy ra tại địa bàn huyện khác hoặc tỉnh khác” dẫn đến bị VKSND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm vì vi phạm khoản 4 Điều 163 BLTTHS (Quyết định kháng nghị số 191/QB/VC3-V1, ngày 22/7/2021 kháng nghị bản án số 21/2020HS-ST ngày 24/6/2020 của TAND tỉnh Đắk Nông (bị can Phạm Tuấn Huỳnh phạm tội ở tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Dương)[10]
Khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”, theo đó, Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau. Do đó, nội dung hướng dẫn tại công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 nêu trên.
1.3. Công văn số 5887/VKSTC-V14 của VKSND tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật mâu thuẫn với Thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp cao tại Hà Nội về áp dụng quy định “Phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với trường hợp bắt quả tang, người phạm tội khai tàng trữ nhằm mục đích bán lẻ kiếm lời và quá trình điều tra xác định trước khi bị bắt quả tang người phạm tội đã có hành vi bán trái phép chất ma túy[11]
Văn bản đề xuất giải đáp khó khăn, vướng mắc không nêu rõ số, ngày, tháng, năm ban hành văn bản Thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp cao tại Hà Nội và không nêu cụ thể nội dung hướng dẫn áp dụng pháp luật nào của Công văn số 5887/VKSTC-V14 của VKSND tối cao có mâu thuẫn thế nào với Thông báo này. Do đó, VKSND tối cao không có cơ sở để giải đáp vấn đề này; thời gian tới, đề nghị VKSND các cấp khi đề xuất giải đáp khó khăn, vướng mắc cần nêu cụ thể các nội dung hoặc các quy định, văn bản cụ thể nào có vướng mắc.
1.4. Khó khăn khi thực hiện Công văn số 3269/VKSTC-V14, ngày 29/7/2020 của VKSNB tối cao với quy định tại mục 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ- HBTP, ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về hành vi đánh bạc (Nghị quyết số 01) khi xử lý Hành vi đánh đề của một người trong 1 lần, 1 ngày với tổng số tiền đánh là 5 triệu đồng nhưng chia đều theo kết quả xổ số của đài miền Bắc, miền Nam Hoặc miền Trung[12]
Công văn số 3269/VKSTC-V14 ngày 29/7/2020 của VKSND tối cao chỉ nêu quan điểm trao đổi về nhận thức pháp luật hướng dẫn trong việc xác định số tiền đánh bạc 01 lần để xử lý hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi số đề trên cơ sở vận dụng tinh thần Nghị quyết số 01 và chỉ mang tính chất tham khảo bởi VKSND tối cao không có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết BLHS. Do vậy, trong thời gian chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị, VKS cần chủ động phối hợp, thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp vận dụng tinh thần Nghị quyết số 01 khi giải quyết từng vụ án, vụ việc cụ thể.
2. Về những kiến nghị, đề xuất
2.1. Tăng cường khảo sát tình hình thực tiễn thi hành pháp luật trong Ngành để tổng kết những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật[13]
Năm 2021, mặc dù làm việc trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng VKSND tối cao đã giao Vụ 14 tiến hành khảo sát tình hình thực tiễn thi hành pháp luật, tổng kết khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Tại các cuộc hội thảo, hội nghị tập huấn, các đơn vị thuộc VKSND tối cao đã lồng ghép nội dung cần khảo sát qua việc trao đổi trực tiếp với các đơn vị, VKS cần lấy ý kiến để thu thập thông tin nhằm tổng kết những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật. Ngoài ra, các đơn vị thuộc VKSND tối cao còn tổ chức các hình thức khác để đánh giá thực tiễn công tác thi hành pháp luật, tổng kết khó khăn, vướng mắc như: sơ kết, tổng kết, trả lời thỉnh thị,... Do đó, VKSND tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, VKS đẩy mạnh, đa dạng hóa việc khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật, sơ kết, tổng kết, trả lời thỉnh thị,...
2.2. Đề nghị VKSND tối cao có chỉ đạo về việc nhận thức pháp luật theo các Nghị quyết, Thông tư liên tịch hướng dẫn BLHS đến nay đã hết hiệu lực[14]
Đối với các Nghị quyết, Thông tư liên tịch hướng dẫn BLHS đã hết hiệu lực, chưa có văn bản hướng dẫn khác của các cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị, VKS cần chủ động phối hợp, thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nghiên cứu giải quyết vụ việc, vụ án có thể vận dụng tinh thần của các văn bản hướng dẫn BLHS năm 1999 không trái với quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng không viện dẫn điều, khoản của văn bản đó.
2.3. Đề nghị hướng dẫn những trường hợp kiến nghị của VKS không được chấp nhận thực hiện hoặc được chấp nhận nhưng thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ theo yêu cầu của kiến nghị thì các biện pháp tiếp theo VKS phải thực hiện gồm những biện pháp như thế nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiến nghị của VKS, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao chiến lược cải cách tư pháp[15]
Văn bản kiến nghị, đề xuất không nêu cụ thể VKS kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục vi phạm hay kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội,… Do đó, VKSND tối cao không có cơ sở để giải đáp vấn đề này; thời gian tới, khi kiến nghị, đề xuất, đề nghị VKSND các cấp cần nêu rõ ràng, cụ thể về từng nội dung.