Công văn 2964/VKSTC-V14 năm 2018 về giải đáp vướng mắc pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 2964/VKSTC-V14
Ngày ban hành 19/07/2018
Ngày có hiệu lực 19/07/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thị Quỳnh Chi
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2964/VKSTC-V14
V/v Giải đáp vướng mắc pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2018

 

Kính gửi:

- Các đơn vị: Văn phòng, Vụ 9, Vụ 10, T2, T3 VKSNDTC;
- VKSND
cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại Hội nghị sơ kết, tập huấn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật (tháng 3/2018), VKSND tối cao nhận được nhiều ý kiến nêu khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác và đề nghị giải đáp một số vấn đề chưa rõ trong quy định của pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, phá sản và áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) đã chủ trì, phối hợp với Vụ 9, Vụ 10 VKSND tối cao nghiên cứu và có ý kiến như sau:

I. Những vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC), Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015

1. Về quyền yêu cầu của Viện kiểm sát

1.1. Có ý kiến cho rằng quy định của Thông tư liên tịch số 02/2016[1] về thời hạn Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát (VKS) để xem xét kháng nghị là quá dài (03 ngày làm việc trong trường hợp kháng nghị phúc thẩm (điểm b khoản 1 Điều 5); 07 ngày làm việc trong trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (điểm a khoản 2 Điều 5), kể từ ngày nhận được yêu cầu) gây khó khăn cho VKS trong việc nghiên cứu hồ sơ, quyết định kháng nghị.

Trả lời: Quy định này chỉ thực sự gây khó khăn trong trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm mà Kiểm sát viên vắng mặt, không tham gia phiên tòa, do thời hạn kháng nghị phúc thẩm vẫn được tính từ ngày tuyên án. Sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm mà thấy cần thiết phải yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để xem xét việc kháng nghị, nếu việc chuyển hồ sơ dẫn đến hết thời hạn kháng nghị thì VKS cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm báo cáo ngay VKS cấp trên trực tiếp để xem xét, quyết định kháng nghị.

Trường hợp VKS không phải tham gia phiên tòa sơ thẩm thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày VKS cùng cấp nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Nếu thấy cần thiết phải yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để xem xét việc kháng nghị mà dự liệu khả năng việc chuyển hồ sơ sẽ dẫn đến hết thời hạn kháng nghị thì VKS cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm báo cáo ngay VKS cấp trên trực tiếp để xem xét, quyết định kháng nghị.

Trường hợp VKS đã tham gia phiên tòa sơ thẩm (đã nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã theo dõi diễn biến phiên tòa, đã lập hồ sơ kiểm sát...) thì việc chuẩn bị kháng nghị phải chủ động thực hiện ngay sau khi kết thúc phiên tòa.

1.2. Có ý kiến cho rằng quy định Tòa án được quyền ưu tiên nhận hồ sơ trước trong trường hợp cả Tòa án và VKS cùng có yêu cầu chuyển hồ sơ để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016) là không công bằng, ảnh hưởng đến chỉ tiêu kháng nghị của VKS.

Trả lời: Theo Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016 thì cơ quan nào có yêu cầu chuyển hồ sơ trước thì Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ cho cơ quan đó. Tòa án chỉ được ưu tiên nhận hồ sơ trước trong 02 trường hợp: (1) Trường hợp Tòa án đang quản lý hồ sơ cùng nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án và VKS; (2) Trường hợp Tòa án đang quản lý hồ sơ đã nhận được văn bản yêu cầu của VKS trước nhưng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, hồ sơ chưa được chuyển cho VKS mà lại nhận được yêu cầu của Tòa án.

Quá trình xây dựng Thông tư liên tịch, bên cạnh nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động kiểm sát của VKS, Lãnh đạo VKSNDTC và TANDTC đã thống nhất quy định nêu trên nhằm tạo điều kiện cho Tòa án kiểm tra, tự khắc phục những sai sót trong công tác xét xử trong hệ thống của mình.

Quy định nêu trên cũng đã được ghi nhận tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 “Hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự” và trong suốt một thời gian dài, không gây trở ngại gì cho công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKS.

Do thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được BLTTDS, Luật TTHC giao cho cả Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND. Vì vậy, dù Chánh án hay Viện trưởng kháng nghị để khắc phục vi phạm đều có lợi cho đương sự. Đối với trường hợp Tòa án đã nhận hồ sơ trước thì VKS cần theo dõi xem Tòa án có kháng nghị không để tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu theo điểm b1 khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016.

1.3. Có ý kiến đề nghị sửa Thông tư liên tịch số 02/2016 cho phép VKS cấp tỉnh được yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trả lời: Quyền yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là quyền phái sinh từ quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Cấp nào có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mới có quyền yêu cầu chuyển hồ sơ. Vì vậy, văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải do VKS có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành. Tuy nhiên, VKS có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có thể giao cho VKS cấp tỉnh nhận hồ sơ để nghiên cứu, báo cáo, đề xuất về việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

1.4. Có ý kiến đề nghị ngoài 02 trường hợp Tòa án chuyển hồ sơ vụ án, vụ việc để VKS tham gia phiên tòa, phiên họp và để VKS xem xét kháng nghị đã được quy định tại các Thông tư liên tịch số 02/2016, số 03/2016[2] thì cần bổ sung quy định VKS có quyền yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ trong các trường hợp khác như: để kiểm sát việc thụ lý, kiểm sát quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án có vi phạm pháp luật...

Trả lời: BLTTDS, Luật TTHC chỉ quy định Tòa án có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho VKS trong 01 trường hợp duy nhất là để VKS nghiên cứu, tham gia phiên tòa sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử trong những trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa. Các Thông tư liên tịch số 02/2016 và số 03/2016 đã quy định mở rộng thêm 02 trường hợp Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS là: (1) để VKS xem xét việc kháng nghị (Điều 5) và (2) để xem xét việc kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 6). Việc yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ trong các trường hợp khác do không có quy định của luật nên không thể quy định trong thông tư liên tịch.

Tòa án là cơ quan giải quyết vụ việc dân sự. Sau khi thụ lý vụ việc, Tòa án có trách nhiệm lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ và phải tiến hành nhiều hoạt động tố tụng khác. Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sẽ ảnh hưởng đến thời hạn và việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử của Tòa án. Vì vậy, để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án trước khi mở phiên tòa, phiên họp hoặc trước khi ra bản án, quyết định sơ thẩm (trong trường hợp VKS không tham gia phiên tòa), VKS phải kiểm sát thông qua hồ sơ và phát biểu về vi phạm tại phiên tòa (nếu có) hoặc kiểm sát qua bản án, quyết định để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.

1.5. Có ý kiến hỏi trong văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự có phải ghi rõ mục đích chuyển hồ sơ không?

Trả lời:

Một là, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2016 thì Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS trong 02 trường hợp:

- Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS để VKS nghiên cứu tham gia phiên tòa, phiên họp (Điều 4). Trường hợp này, theo quy định tại khoản 2 Điều 220, Điều 292, khoản 3 Điều 318, khoản 2 Điều 323, khoản 2 Điều 336, Điều 357 BLTTDS, Tòa án có trách nhiệm chủ động chuyển hồ sơ, VKS không phải yêu cầu;

- Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS để xem xét, quyết định việc kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 5). Trường hợp này, VKS phải yêu cầu Tòa án mới chuyển hồ sơ.

Do vậy, khi VKS ban hành Văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ tức là nhằm mục đích xem xét, quyết định việc kháng nghị.

Hai là, Mẫu số 08/DS trong Danh mục biểu mẫu công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự về “Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc dân sự” có ghi:

“Viện kiểm sát nhân dân (2)……….. yêu cầu Tòa án nhân dân (4) ………………..chuyển hồ sơ vụ (việc)….. (5) giữa…………. (6)

(Bản án (Quyết định) số………. ngày……. tháng…...năm…… do Tòa án nhân dân……. (7), giải quyết)”.

Nội dung trên cho thấy yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ được thực hiện sau khi Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm. Căn cứ quy định về các trường hợp Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS theo Thông tư liên tịch số 02/2016 nêu trên thì chỉ thuộc trường hợp yêu cầu chuyển hồ sơ để xem xét, quyết định việc kháng nghị. Do đó, Mẫu số 08/DS không hướng dẫn là phải ghi rõ mục đích mà chỉ ghi “Để Viện Kiểm sát nhân dân...xem xét, giải quyết theo thẩm quyềnlà đã đầy đủ và chính xác.

[...]