Công văn 2199/BTP-KHTC năm 2019 xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 2199/BTP-KHTC
Ngày ban hành 14/06/2019
Ngày có hiệu lực 14/06/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Phan Anh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2199/BTP-KHTC
V/v xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch dự toán NSNN giai đoạn 2020-2022

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2019

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Bộ;
- Các Chủ dự án viện trợ nước ngoài.

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm;

Bộ Tư pháp hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2019

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2019

- Đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2019 ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2019 của Bộ Tư pháp.

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, các nhiệm vụ quan trọng, các chương trình, đề án lớn được giao, đơn vị đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý.

2. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN

2.1. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu NSNN

Căn cứ kết quả ước thu NSNN 6 tháng đầu năm, dự báo triển vọng tình hình thực hiện trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thu, kiến nghị các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2019 đã được giao; đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu năm 2019 tập trung vào các nội dung sau:

a) Đánh giá, phân tích các nguyên nhân tác động tăng, giảm thu năm 2019.

b) Đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện các biện pháp về quản lý thu NSNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình triển khai thực hiện các văn bản, chính sách, chế độ thu phí, lệ phí khác tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2019.

c) Kết quả thực hiện thu phí, lệ phí, trong đó làm rõ tổng số thu, số thu nộp NSNN, số thu được để lại so với dự toán và sự phù hợp của tỷ lệ phí được để lại 6 tháng đầu năm và ước cả năm 2019.

d) Đánh giá các khoản thu học phí và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công (không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí).

2.2. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi NSNN

Các đơn vị tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2019 các nội dung sau:

a) Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi NSNN 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2019 theo từng lĩnh vực chi, nhiệm vụ chi được giao; kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, đề án, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý. Ngoài ra, các đơn vị đánh giá một số nội dung sau:

- Các đơn vị quản lý hành chính đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đánh giá giá tình hình thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

- Các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề đánh giá thêm một số nội dung sau:

+ Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hỗ trợ chi phí học tập theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg và chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg.

+ Tình hình thực hiện một số Đề án lớn gồm: Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trường trọng điểm đào tạo chức danh tư pháp theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg (Học viện Tư pháp); Đề án đào tạo trọng điểm cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg (Trường Đại học Luật Hà Nội), Đề án đào tạo luật sư hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Học viện Tư pháp, Cục Bổ trợ Tư pháp).

- Đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ: đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tiến độ thực hiện các dự án, đề tài, số lượng các đề tài còn tồn đọng, đã quá hạn, nêu rõ nguyên nhân và hướng xử lý dứt điểm. Đồng thời, nêu rõ những vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ.

- Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, sự nghiệp đảm bảo xã hội, sự nghiệp kinh tế: đánh giá tiến độ thực hiện theo từng dự án, hiệu quả sử dụng kinh phí và tác động tích cực của việc thực hiện dự án; các dự án còn tồn đọng, chưa quyết toán, nêu rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục.

[...]