Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 2169/LĐTBXH-KHTC năm 2022 về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 (Vốn sự nghiệp) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 2169/LĐTBXH-KHTC
Ngày ban hành 24/06/2022
Ngày có hiệu lực 24/06/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Quang Phụng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2169/LĐTBXH-KHTC
V/v xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2023-2025 (Vốn sự nghiệp)

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2022

 

Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ

Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính: số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 về việc hướng dẫn Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 về hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, Bộ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

1. Căn cứ đánh giá nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2022

- Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được giao tại Quyết định số 1488/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2021 và các Quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Quyết định số 18/QĐ-LĐTBXH ngày 10/01/2022 của Bộ ban hành Kế hoạch hành động của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

- Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4956/LĐTBXH-KHTC ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 31/CT-TTg.

- Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022;

- Tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022; các giải pháp phấn đấu hoàn thành vượt dự toán ngân sách nhà nước 2022 trong những tháng còn lại đã được các cấp có thẩm quyền quyết định.

- Các kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng đối với công tác thanh tra, kiểm toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng khi tổ chức thực hiện thu chi ngân sách nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.

2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2022

2.1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN

- Đánh giá thực hiện thu NSNN năm 2022 theo quy định của Luật NSNN, không đánh giá vào NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí; các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại của các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

- Đánh giá kết quả thực hiện thu phí, lệ phí, thu xử phạt hành chính 6 tháng đầu năm và ước cả năm 2022; trong đó chi tiết số được để lại chi, chi tiết số sử dụng cho chi thường xuyên và chi cho các chương trình, dự án đầu tư theo quy định; số còn dư đến hết năm 2022 (nếu có); những thuận lợi, khó khăn, nhất là tác động của xung đột chính trị trên thế giới, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp.

- Đánh giá kết quả thực hiện các khoản thu được để lại theo quy định đối với các cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định của các cấp thẩm quyền; nguồn phí để lại, các khoản thu nghiệp vụ, khoản trích qua công tác thanh tra, kiểm toán và dự kiến số lũy kế còn lại đến hết năm 2022.

- Các khoản thu của các đơn vị sự nghiệp công lập (ngoài nguồn NSNN), trên cơ sở đó xác định mức độ tự chủ tài chính của từng đơn vị; đánh giá các khoản thu phí được để lại theo quy định của pháp luật đối với cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

2.2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2022

- Báo cáo tình hình thực hiện phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2022 theo từng lĩnh vực chi được giao, trong đó bên cạnh việc đánh giá các nhiệm vụ chi theo dự toán, tập trung làm rõ tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

- Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án lớn trong 6 tháng đầu năm, dự kiến cả năm 2022; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý.

- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chi tiêu các nguồn kinh phí trong những tháng còn lại đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2.3. Đánh giá tình hình thực hiện các CTMTQG và các chương trình, dự án, đề án khác

a) Đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia:

Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị được giao chủ trì và thực hiện các hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia báo cáo cụ thể:

- Tình hình xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình;

- Tổng mức kinh phí cho Chương trình theo phê duyệt của cấp thẩm quyền; kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 đối với từng CTMTQG (cụ thể nguồn NSTW, NSĐP; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động khác - nếu có), theo từng lĩnh vực chi (nếu có);

- Việc dự kiến phân bổ, giao dự toán năm 2022 (gồm cả dự toán năm 2021 chuyển sang) đối với từng CTMTQG; tiến độ giải ngân, khả năng thực hiện năm 2022, chi tiết đối với từng nguồn NSTW, NSĐP; nguồn vốn ĐTPT, chi thường xuyên; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động khác - nếu có), theo từng lĩnh vực chi;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).

b) Đối với các nhiệm vụ thường xuyên thuộc các chương trình mục tiêu (CTMT) giai đoạn 2016-2020 tiếp tục thực hiện và được cấp thẩm quyền phê duyệt dưới dạng chương trình, dự án, đề án giai đoạn 2021-2025 hoặc đến năm 2030, được giao dự toán, bổ sung hoặc đang trình bổ sung kinh phí năm 2022, các đơn vị báo cáo tình hình ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện năm 2022 theo từng lĩnh vực chi. Trường hợp có sử dụng nguồn vốn ngoài nước, báo cáo riêng tình hình phân bổ, giải ngân đối với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, các đề xuất kiến nghị (nếu có).

[...]