Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Công văn 2132/TCHQ-GSQL năm 2021 về tăng cường quản lý khoáng sản xuất khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 2132/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 07/05/2021
Ngày có hiệu lực 07/05/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Mai Xuân Thành
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2132/TCHQ-GSQL
V/v tăng cường quản lý khoáng sản xuất khẩu

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; đồng thời nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng khoáng sản xuất khẩu, căn cứ quy định của Luật Hải quan, Luật Khoáng sản, Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật khoáng sản; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công thương quy định về xuất khẩu khoáng sản (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016), Thông tư số 13/2020/TT-BCT ngày 18/6/2020 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương; Thông tư số 15/2013/TT-BCT ngày 15/7/2013 quy định về xuất khẩu than; Thông tư số 27/2016/TT-BCT ngày 05/12/2016 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương; Thông tư số 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05/2019/TT-BXD ngày 10/10/2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan đối với mặt hàng khoáng sản xuất khẩu cần lưu ý thực hiện, kiểm tra một số nội dung sau:

1. Đăng ký tờ khai hải quan.

Cơ quan hải quan chỉ thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu đối với khoáng sản được khai thác từ các mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản, đáp ứng điều kiện, có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ và có tên trong danh mục được phép xuất khẩu do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành theo từng thời kỳ hoặc trường hợp cá biệt đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản đồng ý, cho phép xuất khẩu.

2. Khai hải quan.

2.1 Mô tả hàng hóa.

Khai báo tên loại khoáng sản xuất khẩu, tên mỏ, tên doanh nghiệp được phép khai thác, chế biến đối với trường hợp doanh nghiệp thương mại xuất khẩu khoáng sản (doanh nghiệp không trực tiếp khai thác, chế biến).

2.2 Giấy phép.

a) Khai báo tại ô giấy phép số 01 số giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản;

b) Khai báo tại ô giấy phép tiếp theo số giấy phép khai thác tận thu khoáng sản;

c) Khai báo tại ô giấy phép tiếp theo số văn bản đồng ý cho phép xuất khẩu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ quản lý chuyên ngành (trong trường hợp xuất khẩu cá biệt);

d) Khai báo tại ô giấy phép số tiếp theo số hợp đồng mua bán nội địa (đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không trực tiếp khai thác);

e) Khai báo tại ô giấy phép tiếp theo số hóa đơn mua bán nội địa (đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không trực tiếp khai thác);

3. Hồ sơ hải quan.

Người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và chứng từ theo quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, để có cơ sở đối chiếu, xác định nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật, người khai hải quan nộp bổ sung cho cơ quan hải quan bản sao giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp; bản sao văn bản đồng ý cho phép xuất khẩu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ quản lý chuyên ngành (trong trường hợp xuất khẩu cá biệt); bản sao hóa đơn, hợp đồng mua bán nội địa (đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không trực tiếp khai thác) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản.

4. Kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan.

Công chức hải quan thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và hướng dẫn tại Điều 7 Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2016 của Tổng cục Hải quan, kiểm tra tính hợp lệ, đối chiếu các thông tin trên các chứng từ do người khai hải quan cung cấp với các chứng từ khác thuộc bộ hồ sơ hải quan.

Đối với khoáng sản xuất khẩu được khai thác từ các mỏ của các doanh nghiệp đã được Bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác và thông báo danh sách giấy phép khai thác đã cấp cho cơ quan hải quan thì công chức kiểm tra hồ sơ phải đối chiếu thông tin trên giấy phép khai thác, tờ khai hải quan với danh sách này để giải quyết thủ tục hải quan theo quy định.

5. Kiểm tra thực tế hàng hóa.

5.1 Cơ quan hải quan kiểm tra thực tế đối với tất cả lô hàng khoáng sản xuất khẩu. Mức độ kiểm tra thực tế thực hiện theo chỉ dẫn rủi ro trên Hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử;

5.2 Khi kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu thực tế hàng hóa với danh mục, quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định theo từng thời kỳ để xác định hàng hóa có đủ điều kiện xuất khẩu hay không.

Thời hạn hoàn thành việc kiểm tra thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan. Trường hợp qua kiểm tra thực tế không đủ cơ sở để xác định hàng hóa phù hợp với khai báo hải quan, danh mục, quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định thì công chức hải quan tiến hành lấy mẫu trưng cầu giám định tại phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Vilas, quá trình thực hiện lấy mẫu phải có sự giám sát, chứng kiến của cơ quan hải quan. Số lượng mẫu lấy là 03 mẫu trong đó, 01 mẫu lưu tại Chi cục Hải quan, 01 mẫu gửi phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Vilas để thực hiện phân tích, giám định, 01 mẫu gửi cơ quan Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích, giám định khi có thông tin nghi vấn hoặc chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Mẫu phải được niêm phong bằng niêm phong hải quan có đóng dấu, chữ ký của công chức giám sát việc lấy mẫu và chữ ký của người khai hải quan.

Trường hợp cơ quan Kiểm định Hải quan thực hiện phân tích, giám định khi có thông tin nghi vấn hoặc chỉ đạo của Tổng cục Hải quan có kết quả phân tích, giám định khác với kết quả giám định tại phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Vilas thì căn cứ kết quả phân tích, giám định của cơ quan Kiểm định Hải quan để thực hiện xử lý vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý với kết quả kết quả phân tích, giám định của cơ quan Kiểm định Hải quan thì thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Việc kiểm tra lượng hàng hóa xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính).

6. Xử lý kết quả kiểm tra.

6.1 Trường hợp kết quả kiểm tra xác định khoáng sản xuất khẩu đáp ứng quy định của pháp luật thì được thực hiện tiếp thủ tục hải quan theo quy định;

6.2 Trường hợp kết quả kiểm tra xác định khoáng sản xuất khẩu không đáp ứng quy định của pháp luật thì xử lý theo quy định.

[...]