Công văn 2055/BTTTT-THH năm 2019 hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Số hiệu | 2055/BTTTT-THH |
Ngày ban hành | 27/06/2019 |
Ngày có hiệu lực | 27/06/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Thông tin và Truyền thông |
Người ký | Nguyễn Thành Hưng |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính |
BỘ THÔNG TIN VÀ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2055/BTTTT-THH |
Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2019 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ; |
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN); căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1819/QĐ-TTg), các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ, ngành, địa phương) có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm; căn cứ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ;
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN năm 2020 như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CNTT
Thực hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg và kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2019 của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước, tình hình ứng dụng CNTT xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử nước ta nói chung có một số chuyển biến tích cực, nhất là trong hoạt động cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, số lượng DVC trực tuyến tăng, việc duy trì cung cấp DVC trực tuyến, xử lý hồ sơ qua mạng tại một số Bộ, ngành, địa phương ổn định đã thu hút được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, số dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ trên mạng ngày càng tăng (đến quý I/2019, số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 đã được các Bộ, ngành, địa phương cung cấp như sau: Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cung cấp: 978 DVCTT mức độ 3, 731 DVCTT mức độ 4; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp 33.521 DVCTT mức độ 3, 8.606 DVCTT mức độ 4.), nhiều Bộ, ngành, địa phương có hệ thống quản lý văn bản điện tử dùng chung được các đơn vị sử dụng chung (19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 48/63 tỉnh, thành phố) và nhiều nơi đã được tích hợp sử dụng chữ ký số chuyên dùng; nhiều địa phương đã triển khai hệ thống một cửa điện tử tập trung (khoảng 54 tỉnh, thành phố); nhiều cơ quan đã có mạng diện rộng (21/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 54/63 tỉnh, thành phố); các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai những hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp; Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, xây dựng, ban hành (19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia tạo nền tảng cho Chính phủ điện tử triển khai chậm, làm hạn chế việc cung cấp DVCTT mức độ cao, thiếu tính kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC, nhiều DVCTT tuy đã được cung cấp, nhưng số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến còn rất ít, vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong các CQNN chưa được đầu tư, chú trọng đúng mức. Nguyên nhân của các hạn chế này là do người đứng đầu một số CQNN chưa thực sự quan tâm, ưu tiên, quyết liệt chỉ đạo ứng dụng CNTT của cơ quan mình, tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến, nhiều nơi việc triển khai DVCTT còn mang tính hình thức, thói quen làm việc thủ công, giấy tờ chưa được khắc phục, chưa chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho người sử dụng dịch vụ, kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn hạn hẹp.
Để có căn cứ xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2020 phù hợp với điều kiện thực tế, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá cụ thể kết quả triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2019, tình hình thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, nêu rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục.
II. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CNTT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CQNN NĂM 2020
Căn cứ Kiến trúc Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính quyền điện tử các Bộ, ngành, địa phương; căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp về ứng dụng CNTT trong CQNN nêu tại các Văn bản: Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020; danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2018-2020 được ban hành tại Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025,...
Căn cứ kết quả đánh giá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch ứng dụng CNTT 2019; căn cứ nguồn lực, nhu cầu thực tế; các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2020, cụ thể:
- Xây dựng, hoàn thiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của Bộ, ngành, địa phương để thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và giữa các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
- Hoàn thiện, kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm thông suốt các cấp để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ;
- Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh và các nội dung liên quan theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ;
- Xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, các CSDL ngành, lĩnh vực và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng CPĐT bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam; Kiến trúc Chính phủ điện tử/Kiến trúc Chính quyền điện tử của các Bộ, ngành, địa phương.
- Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng hệ thống cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, 4) phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng hiệu quả (tiết kiệm thời gian, chi phí,...), tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp;
- Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, kết nối mạng thông tin phục vụ công việc này theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích;
- Triển khai Kiến trúc CPĐT cấp Bộ (đối với các Bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh (đối với các tỉnh) phù hợp Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0 khi được ban hành;
- Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin để đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT của Bộ, ngành, địa phương.
- Mục tiêu, nội dung ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử tại các Bộ, ngành, địa phương phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra;
- Kế thừa và tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với hiện trạng và nguồn lực thực tế tại các Bộ, ngành, địa phương; đi vào thực chất, hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp;
- Ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử gắn liền với cải cách quy trình, thủ tục hành chính; đổi mới phương thức, lề lối làm việc của CQNN;
- Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng tới bảo đảm thuận tiện, dễ sử dụng, truy cập được trên các thiết bị nền tảng di động (mobility),...;
- Ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử gắn liền với công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng;
- Ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới phù hợp với nhu cầu và thực tế của Bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả triển khai.
- Thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử bao gồm các giải pháp công nghệ, triển khai, nguồn lực, tài chính. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các CQNN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng; nâng cao chất lượng nhân lực khai thác các ứng dụng CNTT,...
- Tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, Kiến trúc CPĐT cấp Bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;