Công văn 1932/BTP-PBGDPL hướng dẫn thực hiện chỉ đạo điểm Đề án 4061 năm 2015 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1932/BTP-PBGDPL
Ngày ban hành 08/06/2015
Ngày có hiệu lực 08/06/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Phan Chí Hiếu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1932/BTP-PBGDPL
V/v: Hướng dẫn thực hiện chỉ đạo điểm Đề án 4061 năm 2015

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2015

 

Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” (được phê duyệt tại Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - sau đây gọi tắt là Đề án 4061), sau 02 năm (2013, 2014) triển khai thí điểm mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân ở một số tỉnh, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại những điểm chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng của người dân được nâng cao.

Để phát huy kết quả đạt được, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố trong năm 2015 như sau:

1. Lựa chọn điểm chỉ đạo thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khảo sát, lựa chọn ít nhất 02 điểm chỉ đạo thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng: 01 cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức và 01 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các điểm chỉ đạo

2.1. Hướng dẫn và hỗ trợ xã, phường, thị trấn làm điểm (thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan như Nhà văn hóa, đội thông tin cấp huyện…) thực hiện các hoạt động sau:

- Xây dựng pa-nô, áp-phích tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đặt tại điểm công cộng trên địa bàn xã, phường, thị trấn;

- Tổ chức in và cấp miễn phí các tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để giúp người dân đến giải quyết công việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân được đọc, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về pháp luật phòng, chống tham nhũng hoặc cung cấp cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố… sử dụng làm tài liệu tuyên truyền (các tờ gấp về phòng, chống tham nhũng được đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp tại địa chỉ

http://moj.gov.vn/pbgdpl/togap/Lists/ToGap/View_Detail.aspx?ItemID=142);

- Phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; câu chuyện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; gương điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thời gian thực hiện từ Tháng 6/2015 đến hết Tháng 12/2015, tối thiểu 01 chuyên đề/01 lần/tuần (Tài liệu do Ban điều hành Đề án Trung ương cung cấp hoặc download tại địa chỉ

http://moj.gov.vn/pbgdpl/AnPham/Lists/Sach/View_Detail.aspx?ItemID=52).

- Tổ chức các buổi thông tin lưu động phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, nhân dân tại địa bàn dân cư với các nội dung sau:

+ Tổ chức diễn tiểu phẩm, biểu diễn văn nghệ có nội dung về phòng, chống tham nhũng;

+ Tổ chức trình chiếu một số tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng (đĩa DVD các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng do Ban điều hành Đề án Trung ương cung cấp hoặc download tại địa chỉ http://moj.gov.vn/pbgdpl/Pages/VideoPBGDPL.aspx[1]).

b) Hướng dẫn và hỗ trợ cơ quan, tổ chức làm điểm thực hiện các công việc sau:

- Tổ chức nói chuyện chuyên đề, quán triệt nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức; trao đổi, thảo luận về các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị.

Tại buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kết hợp trình chiếu một số tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng (đĩa DVD các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng do Ban điều hành Đề án Trung ương đã cung cấp hoặc download tại địa chỉ http://moj.gov.vn/pbgdpl/Pages/VideoPBGDPL.aspx).

- Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc, xây dựng các biểu, bảng chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể về thủ tục hành chính; tổ chức đường dây nóng (bằng điện thoại và email); bố trí cán bộ thường trực để hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến giải quyết công việc.

- Xây dựng panô, áp phích tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại trụ sở cơ quan, tổ chức; tổ chức in và cấp miễn phí tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cá nhân, tổ chức đến giải quyết công việc tại trụ sở cơ quan, tổ chức (tờ gấp do Ban Điều hành Đề án ở Trung ương cung cấp và được đăng tải tại Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp tại địa chỉ

http://moj.gov.vn/pbgdpl/togap/Lists/ToGap/ View_Detail.aspx?ItemID=142).

3. Chế độ kiểm tra, báo cáo kết quả chỉ đạo điểm

Sở Tư pháp có trách nhiệm lập Kế hoạch chi tiết thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm (nêu rõ điểm chỉ đạo, nội dung công việc, tiến độ, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm) và tổ chức thực hiện Kế hoạch có hiệu quả; thường xuyên đôn đốc và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm tại địa phương mình; báo cáo kết quả triển khai các hoạt động chỉ đạo điểm Đề án ở địa phương về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) chậm nhất là ngày 30/11/2015.

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc đánh giá việc thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm; lựa chọn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra.

Kinh phí thực hiện xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Theo quy định tại mục 4 phần IV của Đề án, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để được hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

[...]