Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp quốc

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 31/10/2003
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC

VỀ CHỐNG THAM NHŨNG

Lời nói đầu

Các Quốc gia thành viên Công ước này,

Lo ngại về tính nghiêm trọng của các vấn đề cũng như những mối đe dọa do tham nhũng gây ra đối với sự ổn định và an ninh xã hội, xói mòn các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý và gây tổn hại đến sự phát triển bền vững và chế độ,

Cũng lo ngại về sự liên kết giữa tham nhũng với các loại tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức và tội phạm kinh tế, kể cả tẩy rửa tiền,

Lo ngại thêm về các vụ tham nhũng liên quan đến số lượng lớn tài sản mà những tài sản này đóng một phần quan trọng nguồn lực của các quốc gia, và rằng các vụ tham nhũng này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững của các nước đó,

Tin tưởng cho rằng không còn là một vấn đề, tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết,

Cũng tin tưởng rằng cần có một cách tiếp cận tổng thể và đa ngành để phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả,

Tin tưởng thêm rằng trợ giúp kỹ thuật có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng của các quốc gia, kể cả bằng cách tăng cường năng lực và xây dựng thể chế, để phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả,

Tin tưởng rằng việc làm giàu cho cá nhân một cách bất hợp pháp có thể đặc biệt gây phương hại cho các thể chế dân chủ, các nền kinh tế quốc dân và chế độ pháp quyền,

Quyết tâm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn tham nhũng một cách có hiệu quả hơn các hành vi chuyển nhượng quốc tế các tài sản có được một cách bất hợp pháp cũng như quyết tâm tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản,

Thừa nhận các nguyên tắc cơ bản về việc bảo đảm đúng trình tự thủ tục trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính liên quan đến việc phán quyết các quyền tài sản,

Ghi nhớ rằng việc ngăn ngừa và xoá bỏ tham nhũng là trách nhiệm của các quốc gia và rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp tác, với sự hỗ trợ và tham gia của các cá nhân và các nhóm ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng nếu nỗ lực của họ trong lĩnh vực này có hiệu quả,

Cũng ghi nhận các nguyên tắc về quản lý đúng đắn công vụ và các nguyên tắc về tài sản công,công bằng, trách nhiệm và bình đẳng trước pháp luật cũng như sự cần thiết phải bảo đảm sự liêm chính và khuyến khích việc xây dựng văn hoá chống tham nhũng,

Biểu dương công việc của Uỷ ban về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự và Văn phòng về Ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc trong hoạt động phòng chống tham nhũng,

Nhắc lại công việc của các tổ chức quốc tế và khu vực khác trong lĩnh vực này, trong đó có các hoạt động của Liên minh châu Phi, Hội đồng châu Âu, Hội đồng hợp tác hải quan, (cũng được biết đến là Tổ chức Hải quan thế giới), Liên minh châu Âu, Liên đoàn các nước Ả rập, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ,

Hài lòng ghi nhận các văn kiện đa phương về phòng, chống tham nhũng, trong đó có Công ước liên châu Mỹ về chống tham nhũng do Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ thông qua ngày 29/3/1996, Công ước chống tham nhũng liên quan đến công chức của các nước châu Âu và công chức của các Quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu do Hội đồng Liên minh châu Âu thông qua ngày 26 tháng 5 năm 1997, Công ước chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thông qua ngày 21 tháng 11 năm 1977, Công ước luật hình sự về tham nhũng do Uỷ ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu thông qua ngày 27 tháng 1 năm 1999, Công ước luật dân sự về tham nhũng do Uỷ ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu thông qua ngày 4 tháng 11 năm 1999, Công ước của Liên minh các nước châu Phi về phòng, chống tham nhũng do các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ Liên minh châu Phi thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2003,

Hoan nghênh việc Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có hiệu lực từ ngày 29 tháng 9 năm 2003,

Đã thỏa thuận như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tuyên bố về mục đích

Mục đích của Công ước này là:

(a) Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng và chống tham nhũng một cách hữu hiệu và hiệu quả hơn;

(b) Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong việc phòng và chống tham nhũng, kể cả việc thu hồi tài sản;

(c) Thúc đẩy sự liêm chính, chế độ trách nhiệm và việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công.

Điều 2. Sử dụng thuật ngữ

Trong Công ước này,

(a) “Công chức” có nghĩa là: (i) bất kỳ người nào giữ chức vụ về lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp của một Quốc gia thành viên do được bầu hay bổ nhiệm, làm việc không thời hạn hoặc có thời hạn, được trả lương hay không được trả lương, bất kể cấp bậc của người đó; (ii) bất kỳ người nào thực hiện chức năng nhà nước, kể cả cho cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước, hoặc cung cấp một dịch vụ công, theo quy định trong pháp luật quốc gia của quốc gia thành viên và được áp dụng trong lĩnh vực pháp luật liên quan của quốc gia thành viên đó; (iii) bất kỳ người nào được định nghĩa là “công chức” trong pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, đối với một số biện pháp cụ thể quy định trong Chương II của Công ước này, “công chức” có thể nghĩa là bất kỳ người nào thực hiện chức năng nhà nước hay cung cấp một dịch vụ công như được định nghĩa trong pháp luật quốc gia của quốc gia thành viên và được áp dụng trong lĩnh vực pháp luật liên quan của quốc gia thành viên đó;

[...]