Công văn 1711/BNN-TCTS năm 2014 về quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1711/BNN-TCTS
Ngày ban hành 02/06/2014
Ngày có hiệu lực 02/06/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1711/BNN-TCTS
V/v quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi: UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

Trước tình hình một số địa phương khu vực phía Nam người dân tự ý đưa tôm chân trắng (TCT) vào nuôi trong vùng nước ngọt, nuôi trong vùng đất trồng lúa và nuôi ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt. Tổng cục Thủy sản đã tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số địa điểm nuôi, kiểm tra môi trường nhất là độ mặn, cách thức lấy nước đưa vào ao nuôi, các chế phẩm sử dụng và tổ chức Hội thảo "Đánh giá ảnh hưởng của nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt tại các tỉnh Nam Bộ".

Căn cứ các kết quả nghiên cứu của trong, ngoài nước đặc biệt là kết quả nghiên cứu và bài học kinh nghiệm của Thái Lan khi đưa TCT vào nuôi trong nước ngọt từ những năm 1990, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và người dân đều thấy được những tồn tại bất cập khi đưa TCT vào nuôi trong vùng nước ngọt, cụ thể như sau:

- Tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh;

- Năng suất, sản lượng, chất lượng TCT thương phẩm nuôi trong nước ngọt kém hơn so với nuôi nước lợ, giá bán thấp hơn, khi nhu cầu xuống thấp, giá không ổn định người nuôi có nguy cơ không tiêu thụ được sản phẩm và thua lỗ;

- Phá vỡ quy hoạch nuôi tôm đã được phê duyệt do đó khó kiểm soát được tình hình sản xuất thực tế;

- Cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp và người dân chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro lớn cho người dân. Các mầm bệnh mới từ TCT có thể lây lan cho các đối tượng nuôi truyền thống như tôm càng xanh hay các loài thủy sản khác;

Để đảm bảo nuôi tôm theo quy hoạch, hiệu quả và bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban Nhân dân các cấp tại địa phương thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ sau:

1. Không chủ trương nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt và thực hiện đúng theo Quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và quy hoạch hoặc quy định của địa phương;

2. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm nuôi TCT và không cho người dân tự ý thả nuôi TCT trong vùng nước ngọt. Đối với những địa phương đã thả nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt trước đây, yêu cầu người nuôi thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ môi trường, sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới;

3. Tuyên truyền để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm sớm chỉ đạo các Sở, ban ngành của địa phương thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TCTS, Cục TY;
- Lưu: VT, TCTS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám