Công văn 298/TCTS-NTTS năm 2013 phổ biến mô hình nuôi tôm thành công trong vùng dịch bệnh do Tổng cục Thủy sản ban hành

Số hiệu 298/TCTS-NTTS
Ngày ban hành 01/02/2013
Ngày có hiệu lực 01/02/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thủy sản
Người ký Nguyễn Huy Điền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC THỦY SẢN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/TCTS-NTTS
V/v phổ biến mô hình nuôi tôm thành công trong vùng dịch bệnh

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2013

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển

Trong năm 2011 và năm 2012 nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ven biển Trung bộ và ven biển Nam bộ bị thiệt hại nặng trên diện rộng do dịch bệnh và hội chứng hoại tử gan tụy. Tuy nhiên trong vùng dịch bệnh vẫn có một số mô hình quản lý tốt quá trình nuôi và cho kết quả thành công.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức khảo sát các mô hình nuôi thành công trong vùng dịch bệnh nhận thấy sự khác biệt trong một số khâu quản lý đó là khi cải tạo ao có thời gian phơi đáy dài ngày, cơ sở nuôi có ao chứa lắng, chỉ diệt tạp ở ao lắng không diệt tạp trong ao nuôi, quản lý môi trường giữ được màu nước ổn định có sử dụng chế phẩm sinh học và điều chỉnh pH thích hợp theo độ mặn.

Từ kết quả thực tiễn những mô hình này, Tổng cục Thủy sản đã tổng kết thành quy trình sản xuất nhằm phổ biến cho sản xuất (tại phụ lục kèm theo).

Để khuyến cáo nhân rộng, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức phổ biến tuyên truyền tới các địa phương để hướng dẫn quy trình sản xuất được tổng hợp từ thực tiễn cho người nuôi áp dụng vào các vụ nuôi tiếp theo.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTr Vũ Văn Tám;
- Lãnh đạo Tổng cục;
- Lưu: VT, NTTS.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Huy Điền

 

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI

TÔM NƯỚC LỢ THÂM CANH, BÁN THÂM CANH HẠN CHẾ BỆNH DỊCH
(Ban hành kèm theo Công văn số 298/TCTS-NTTS ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Tổng cục Thủy sản)

I. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

- Cơ sở nuôi tôm nước lợ phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh của địa phương.

- Vùng nuôi phải có mương cấp, mương thoát nước riêng biệt đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhu cầu nuôi.

- Mỗi cơ sở nuôi phải có hồ lắng chiếm 15-20% diện tích mặt bằng để xử lý nước cấp và diệt tạp trước khi đưa vào hồi nuôi; có trang bị dụng cụ do môi trường: pH, oxy, NH3, NO3, độ mặn, …

II. HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT:

2.1. Chuẩn bị hồ nuôi:

2.1.1. Cải tạo ao nuôi, ao lắng:

- Bước 1: Tháo cạn nước ao nuôi và ao lắng. Loại bỏ các địch hại có trong ao từ vụ nuôi trước (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp). Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước. San đáy ao dốc về phía cống thoát. Phải đầm nén kỹ bờ ao hoặc lót bạt để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài như: cua, còng, rắn.

- Bước 2: Rải vôi bột (vôi nung) liều lượng 20-30 kg/1.000m2 (pH đất >4) hoặc 30-40 kg/1000m2 (pH đất ≤ 4) đều đáy ao.

- Bước 3: Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH. Ao lót bạt đáy chỉ cần vệ sinh khử trùng.

- Bước 4: Phơi đáy ao khoảng 5-7 ngày.

Đối với những ao không phơi được: bơm cạn nước, dùng máy cào chất thải về cuối góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thải, sau đó tiến hành bón vôi với liều lượng như bước 2.

Lưu ý:

- Sau mỗi vụ nuôi, phải phơi khô cứng nền đáy ao lắng, ao nuôi khoảng 1-2 tháng để ngắt vụ, tiêu diệt các mầm bệnh, khoáng hóa và phục hồi môi trường nền đáy.

2.1.2. Xử lý nước và lấy nước vào ao nuôi:

- Bước 1: Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để lắng 3-4 ngày.

- Bước 2: Chạy quạt nước liên tục trong 2-3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng.

- Bước 3: Diệt tạp, diệt khuẩn nước cấp trong ao lắng vào buổi sáng (8h) hoặc buổi chiều (16h) bằng Chlorine nồng độ 30 ppm (30kg/1.000m3 nước), hoặc những chất diệt tạp có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm).

[...]