Công văn 1303/BLÐTBXH-VBÐG hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2024 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 1303/BLĐTBXH-VBĐG
Ngày ban hành 29/03/2024
Ngày có hiệu lực 29/03/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1303/BLĐTBXH-VBĐG
V/v hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2024

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể.

Nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện công tác bình đẳng giới tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là bộ, ngành, địa phương) căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện thực tiễn tại địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 như sau:

1. Tổ chức triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật1. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về bình đẳng giới; phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới và các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương.

3. Triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030

Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chung trong Chiến lược, bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Các bộ đã được phân công trách nhiệm cụ thể trong Chiến lược chủ động tổ chức thực hiện các nội dung được phân công, theo dõi, thống kê, báo cáo các chỉ tiêu, mục tiêu do cơ quan mình chủ trì thực hiện, dự báo khả năng đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu để kịp thời ban hành các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chiến lược đã ban hành theo giai đoạn chủ động rà soát, thống kê các chỉ tiêu, mục tiêu của địa phương đã đề ra để có các giải pháp thực hiện phù hợp, đạt mục tiêu đề ra. Tập trung triển khai các giải pháp thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu đang còn khoảng cách lớn so với chỉ tiêu đề ra tới năm 20252:

4. Tổ chức triển khai các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và các chương trình, đề án liên quan

4.1. Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai công tác truyền thông đến năm 20303, kế hoạch thực hiện chương trình và điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan để triển khai hiệu quả.

- Truyền thông các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông: truyền thông trực tiếp; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình; hệ thống thông tin cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; các trang thông tin điện tử, báo điện tử và các mạng xã hội; pano, áp-phích. Tăng cường thực hiện số hóa trong truyền thông thông qua mạng xã hội nhằm tiếp cận tới nhiều người dân hơn, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của bộ, ngành, địa phương.

4.2. Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương; rà soát các cơ sở trợ giúp xã hội công lập tại địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới; nghiên cứu xây dựng và vận hành Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới để tạo điều kiện cho việc xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương; xây dựng các tài liệu truyền thông, đào tạo, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội cán bộ quản lý nhà nước, nhân viên cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

4.3. Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác bình đẳng giới trong các chiến lược, chương trình, đề án theo sự phân công, bao gồm: Chương trình Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030; Quyết định số 4247/QĐ-BGDĐT ngày 12/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án “Đưa việc giảng dạy nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và trình độ đại học giai đoạn 2024-2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông, thống kê về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

5. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới

- Tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của nhà nước về bình đẳng giới. Trên cơ sở điều kiện, đặc điểm của địa phương xây dựng cơ chế, chính sách huy động nhân lực, kinh phí đảm bảo cho việc triển khai công tác bình đẳng giới tại địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để tăng tính bền vững, hiệu quả trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Chú trọng công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, triển khai và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới.

- Tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án,... cho cán bộ phụ trách công tác pháp chế và xây dựng chính sách, pháp luật. Tập huấn kiến thức về giới, bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp, cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới và thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của các bộ, ngành, địa phương.

- Tổ chức các lớp tập huấn giảng viên nguồn về giới cấp tỉnh để chủ động triển khai công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với yêu cầu của địa phương.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bình đẳng giới; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc liên quan đến công tác bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp giải quyết.

- Khuyến khích thí điểm xây dựng và vận hành các sáng kiến, mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tiếp tục triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo theo Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT ngày 30/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia; Hướng dẫn thu thập số liệu, báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-20304

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác bình đẳng giới, đảm bảo nội dung theo đề cương, phụ lục và thời hạn báo cáo theo yêu cầu (Đề cương, phụ lục báo cáo kèm theo).

- Khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

6. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thực hiện bình đẳng giới

- Chủ động nghiên cứu các hoạt động, mô hình quốc tế về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và vận dụng linh hoạt, hiệu quả phù hợp với bối cảnh và điều kiện của bộ, ngành, địa phương.

- Chủ động, tích cực vận động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực hợp pháp và bền vững của các đối tác quốc tế trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Bình đẳng giới) để phối hợp xử lý./.

 

[...]
79
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ