Công văn 129/LĐTBXH-BĐG năm 2022 triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 129/LĐTBXH-BĐG |
Ngày ban hành | 17/01/2022 |
Ngày có hiệu lực | 17/01/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Thị Hà |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 129/LĐTBXH-BĐG |
Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2022 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Ngày 23 tháng 10 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
1. Mục tiêu và định hướng chung
- Trên cơ sở các mục tiêu của Chương trình, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xây dựng các mục tiêu theo giai đoạn đến năm 2025 và 2030 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Về định hướng chung cho việc xây dựng Kế hoạch theo từng giai đoạn:
+ Giai đoạn 1 (từ năm 2022 đến 2025): Đổi mới về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác truyền thông. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở; ứng dụng, khai thác những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Nội dung truyền thông, giáo dục chú trọng về pháp luật, chính sách bình đẳng giới nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của cả hai giới trong gia đình và xã hội; tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ trợ giúp xã hội có nhạy cảm giới. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai Chương trình vào năm 2025.
+ Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Trên cơ sở kết quả sơ kết việc triển khai Chương trình giai đoạn 2022-2025, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh bổ sung Kế hoạch (nếu cần thiết). Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông bình đẳng giới và đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở; tập trung khai thác, phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông hiện đại. Tăng cường truyền thông, giáo dục và tư vấn nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành bình đẳng giới cho các nhóm đối tượng. Triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông tại các cấp. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể liên quan, huy động các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới.
2.1. Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm
- Phương thức thực hiện: Tăng cường tham mưu, thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin chuyên đề về bình đẳng giới cho lãnh đạo các cấp. Nghiên cứu, xây dựng, sản xuất các tài liệu, báo cáo, kết quả nghiên cứu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới để chia sẻ, cung cấp, cập nhật cho cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức để triển khai công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới trong tình hình mới.
- Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có thể nghiên cứu, triển khai:
+ Cấp ủy Đảng, chính quyền cần nghiên cứu, đưa nội dung thực hiện các chỉ tiêu Chiến lược truyền thông vào tiêu chí đánh giá trách nhiệm, kết quả thực hiện công tác của cán bộ, đảng viên được giao phụ trách, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
+ Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 đến 15/12 hằng năm.
+ Sản xuất và cung cấp các bản tin, tờ rơi, báo cáo, tài liệu,...về bình đẳng giới cho lãnh đạo các cấp.
+ Xây dựng và triển khai các mô hình, hình thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng trong từng lĩnh vực và các nhóm đặc thù tại địa phương như người di cư, người khuyết tật, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người cư trú ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo,...
2.2. Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới
- Phương thức thực hiện: Các cơ quan, tổ chức phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, các nhà xuất bản, trang mạng, các công ty truyền thông,...) triển khai các hoạt động truyền thông, chủ động cung cấp thông tin, nội dung tuyên truyền nhằm chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự, tin bài, sách, ảnh hoặc sự kiện truyền thông.
- Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có thể nghiên cứu, triển khai:
+ Mở rộng, đẩy mạnh việc chuyển đổi các nội dung, tài liệu truyền thông về bình đẳng giới từ hình thức in ấn sang bản điện tử trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác. Chú trọng truyền thông về bình đẳng giới trên các trang thông tin có nhiều người truy cập, các trang tin thu hút sự quan tâm của vị thành niên, thanh niên.
+ Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm trên các kênh truyền hình, phát thanh với sự tham gia của các nhà quản lý và các chuyên gia về các vấn đề bình đẳng giới.
+ Tăng cường nội dung về bình đẳng giới trên các chương trình của Đài Truyền thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh cấp huyện, hệ thống phát thanh, truyền thanh hiện có của tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và trên Đài Truyền thanh cấp xã.
2.3. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội
- Phương thức thực hiện: Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân và người dân cùng tham gia và đóng góp phương tiện, nguồn lực vào công tác bình đẳng giới. Tăng cường và nâng cao hiệu quả việc sản xuất các sản phẩm truyền thông bình đẳng giới để phục vụ truyền thông trực tiếp và cung cấp cho các nhóm đối tượng, chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp với các nhóm đặc thù, khó tiếp cận và các vùng khó khăn. Bố trí kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện truyền thông cho cơ quan, đơn vị truyền thông, bao gồm cả trung tâm, điểm tư vấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; ưu tiên các trang thiết bị, dụng cụ truyền thông phù hợp với xã nghèo, xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
- Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có thể nghiên cứu, triển khai:
+ Tìm kiếm, lựa chọn và xây dựng nội dung hợp tác chiến lược với các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện và phương thức hoạt động phù hợp và có thể bổ trợ cho ngành lao động - thương binh và xã hội để tăng hiệu ứng, mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng truyền thông gắn với bình đẳng giới ở các cấp, nhất là ở cơ sở.
+ Tăng cường truyền thông về lợi ích của việc đầu tư cho công tác bình đẳng giới, tổ chức các hội nghị, hội thảo, sản xuất và phát hành các sản phẩm truyền thông như tờ rơi, phim ngắn,... nhằm vận động cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp ban hành các nghị quyết, chính sách, quy định, văn bản nhằm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội cho công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới.
+ Vận động, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tổ chức các cuộc tập huấn, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác, triển lãm, truyền thông trực tiếp và gián tiếp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân về bình đẳng giới.